Trong xu hướng chung toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhiệm vụ chung đảm bảo an toàn thực phẩm.
Mỗi năm, hàng nghìn cơ sở kinh doanh ăn uống mới được mở ra tại Việt Nam, với đủ mọi loại hình và quy mô từ những nhà hàng lớn đến các cơ sở kinh doanh nhỏ tại nhà. Do đó, lực lượng lao động tham gia vào quá trình chế biến thực phẩm được tăng lên và thay đổi liên tục.
Nâng cao nhận thức trong đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hành tốt trong chế biến thực phẩm cho lực lượng lao động này là rất cần thiết.
Dịch vụ chuyển phát đồ ăn nhanh nở rộ cùng nhu cầu của người dân đặt thêm thách thức cho vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm. (Ảnh minh họa: Getty)
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định, an toàn thực phẩm cần có sự chung tay góp sức của tất cả mọi người từ những người trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, ăn uống và đặc biệt là người tiêu dùng. Ở quy mô quốc tế, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2018 đã lựa chọn ngày 7/6 hằng năm là Ngày An toàn Thực phẩm thế giới và năm 2019 này là năm đầu tiên tổ chức kỷ niệm. Đứng trong xu hướng chung toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực để thu hút sự quan tâm của cộng đồng và nâng cao nhận thức về nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cùng với các đối tác đang triển khai thực hiện các mục tiêu tăng cường các hoạt động truyền thông trong cộng đồng về an toàn thực phẩm và khuyến khích các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống liên tục tự bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm và tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm”, bà Nga nhấn mạnh.
Cục An toàn thực phẩm sẽ phân phối 6.000 tài liệu hướng dẫn an toàn thực phẩm tới sáu tỉnh, thành là các thành phố lớn tập trung đông dân cư, nhà hàng và quán ăn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng…/.
Theo Thiên Bình/VOV.VN