Ngay khi tiếp nhận cụ bà 103 tuổi ngã gãy xương đùi, giám đốc bệnh viện cho gạt một công tắc đặc biệt. Còi báo hiệu ở các khoa vang lên.
Chiếc công tắc đó kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện nhằm huy động nhân lực tối đa để tiến hành ca mổ phức tạp chưa từng có, Vương Trung Kiên, giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội, cho biết.
Hệ thống gồm một loa, một đèn, một còi, báo động ở tất cả các khoa. Theo hiệu lệnh, mọi khoa phòng cử người về khu cấp cứu để hỗ trợ khẩn cấp. Trưởng kíp trực chịu trách nhiệm điều phối vị trí và công việc của từng người.
Chỉ trong vòng nửa tiếng kể từ lúc nhập viện, cụ Nguyễn Thị Nghiêm đã được đưa vào phòng phẫu thuật. Ca mổ diễn ra trong 4 giờ thành công. Hiện sức khỏe cụ ổn định và đã xuất viện.
Theo bác sĩ Kiên, ca mổ hồi tháng 1 nói trên là lần đầu tiên một cơ sở tuyến huyện như Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất phẫu thuật thành công bệnh nhân trên 100 tuổi bị gãy cổ xương đùi.
"Ngoài chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật, kỳ tích này có được còn nhờ tiếng còi kịp thời của quy trình báo động đỏ nội viện, rút ngắn thời gian cứu sống bệnh nhân", bác sĩ Kiên nói.
Hệ thống kích hoạt báo động đỏ nội viện tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Trung Mai.
Hệ thống còi báo động đỏ của Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất được nghiên cứu và vận hành từ năm 2016, theo yêu cầu "đơn giản, dễ sử dụng, tiết kiệm chi phí". Chiếc còi được cải tiến từ còi ủ xe cứu thương, gắn vào hệ thống loa có khuếch đại âm thanh và đặt ở vị trí dễ quan sát. Nút kích hoạt cũng là nút tắt, được bố trí ở phòng cấp cứu của bệnh viện.
Trên công tắc kích hoạt hệ thống có 5 cần gạt bao gồm gạt dành cho an ninh, lãnh đạo, ngoại viện, nội viện và khuôn viên bệnh viện. Trong trường hợp báo động đỏ cần phối hợp của toàn viện, cần gạt được đẩy đồng bộ để các bộ phận cùng tham gia.
Người có quyền kích hoạt còi báo động là bác sĩ trưởng kíp trực cấp cứu, nơi tiếp nhận bệnh nhân ban đầu. Báo động được thực hiện khi có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch cần phải can thiệp khẩn cấp như đa chấn thương, chấn thương sọ não hay có vết thương xuyên thấu cổ, ngực, bụng, vết thương mạch máu lớn...
5 gạt kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện. Ảnh: Trung Mai
Những ngày đầu triển khai hệ thống còn nhiều bỡ ngỡ, hầu hết y bác sĩ nghe tiếng còi đều giật mình, phó giám đốc bệnh viện Phạm Thị Thúy Hằng kể lại. Theo thời gian, mỗi lần báo động đỏ, đội ngũ y tế được rèn luyện kỹ năng phản xạ, ứng phó với tình huống nguy cấp và cách điều phối chuyên môn giữa các khoa phòng. Đến nay, cứ mỗi lần vang lên tiếng còi, các bác sĩ thuần thục nhanh chóng vào cuộc.
Quy trình báo động đỏ cấp cứu nhiều năm nay đã được triển khai ở nhiều bệnh viện lớn, vận dụng linh hoạt giữa nội viện, ngoại viện và liên viện. Tuy nhiên với bệnh viện nhỏ cấp huyện như Thạch Thất, ứng dụng quy trình báo động đỏ được xem như thành công trong việc nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân.
Hơn ba năm qua, hệ thống báo động đỏ đã giúp Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất cứu sống được nhiều ca bệnh khó, phức tạp mà trước đây chỉ có bệnh viện tuyến trên mới làm được. Mỗi năm, số lượng bệnh nhân chuyển tuyến trên từ viện giảm từ 3.000 ca xuống còn 1.000 trường hợp.
Với bác sĩ Kiên, chiếc còi cấp cứu báo động 5 cần gạt là công cụ thô sơ, hữu ích nhưng cho thấy bệnh viện có nhân lực mỏng.
"Tôi không mong tiếng còi này cất lên nhiều, bởi nó cất lên là lúc bệnh nhân đang gặp nguy hiểm trong khi phải huy động nhân lực toàn viện mới đủ đáp ứng cấp cứu", bác sĩ Kiên chia sẻ.
Theo Thùy An/VnEpress