Nhiều người nghĩ rằng rối loạn hành vi, cảm xúc chỉ xuất hiện ở người dùng chất kích thích. Tuy nhiên, bệnh lý này xuất hiện ngày càng nhiều, không những ở giới trẻ mà cả người lớn tuổi
Cùng bà và mẹ chờ khám ở Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP HCM), bé N.K.P (10 tuổi) luôn tỏ ra mệt mỏi, uể oải. Nghe bác sĩ (BS) hỏi bệnh, bà của P. đưa cho xem những vết cắn trên tay đứa cháu rồi bật khóc. Có vết cắn đã mờ nhưng có vết còn nguyên vẹn cả dấu răng.
"Con muốn chết quá mẹ ơi!"
Bà N.T.M (ngụ quận 9, TP HCM), bà ngoại của P., kể sau khi cha mẹ ly hôn, bé ở với mẹ. Khi mẹ tái giá rồi sinh thêm em bé. P. cảm giác như bị bỏ rơi và thiếu hẳn tình thương, sự quan tâm của cha. Dần dần, P. trở nên lầm lì, ít nói, hay tỏ ra giận dữ, buồn vô cớ. Rồi một ngày, thay vì đến trường, P. than mệt và nằm lì trong phòng. Đến giờ ăn trưa, bé cũng không xuống.
"Khi mở cửa phòng, tôi thấy cháu ngồi gục trên bàn, mặt bơ phờ, mệt mỏi. Nắm tay cháu, tôi phát hiện nhiều vết cắn đã nhạt bên những vết răng mới đan xen nhau. Nhiều tờ giấy vương vãi trên bàn, trong đó ghi: "Con tuyệt vọng, con muốn chết quá mẹ ơi"… Mẹ nó và tôi đã khóc ngất" - bà M. rầu rĩ.
Đưa con gái 17 tuổi đến tái khám tại BV Tâm thần TP HCM, bà N.T.H kể những năm cấp 1-2, con bà học rất giỏi, nhiều lần đạt thành tích cao cấp quận, thành phố. Tuy nhiên, lên cấp 3 vào trường chuyên, em lại rất vất vả trước áp lực bài vở. Sự cạnh tranh khốc liệt với các bạn trong lớp, cùng khối… phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý của em.
"Từ đó, con bé học ngày càng giảm sút, thứ hạng cũng giảm theo. Sau cảm giác hụt hẫng, chán nản, muốn buông xuôi, con bé đã có những suy nghĩ tiêu cực. Cũng may, gia đình phát hiện kịp thời, nhanh chóng đưa cháu đến BV" - bà H. cho biết.
Nhiều thanh thiếu niên chờ bác sĩ tư vấn về chứng rối loạn hành vi, cảm xúc tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM
Dễ thành bệnh tâm thần
BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TP HCM, cho biết rối loạn hành vi, cảm xúc (còn gọi là rối loạn khí sắc) bao gồm trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Những biểu hiện về rối loạn cảm xúc thường kéo dài. Biểu hiện phổ biến là buồn chán, cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi; ăn mất ngon, ăn ít hoặc ăn rất nhiều; chậm chạp hoặc hưng phấn, kích thích; đánh giá bản thân thấp kém, vô dụng; tự ti trong học tập, công việc; từ bỏ mọi niềm vui và sở thích trước đó; suy nghĩ đến cái chết hoặc hành vi tự sát.
Theo thời gian, nếu không điều trị, rối loạn này sẽ chuyển sang các bệnh lý về tâm thần. Do vậy, khi thấy có những thay đổi về rối loạn hành vi, cảm xúc trong khoảng 2 tuần thì nên đến bệnh viện khám.
Theo BS Thắng, mọi người đều có thể bị trầm cảm. Trong đó, thanh thiếu niên có hành vi tự tử thường rơi vào dạng rối loạn cảm xúc lưỡng cực và trầm cảm nặng. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực biểu hiện trạng thái cảm xúc thay đổi theo chu kỳ từ hưng phấn sang trầm cảm (ức chế). Người mới mắc chứng này nói nhiều, ngủ ít, hay cáu kỉnh và rất dễ bị kích thích nhưng sau đó lại ở trạng thái chán nản, mệt mỏi, tự ti. Còn người trầm cảm nặng thì không còn khả năng học tập, làm việc và tiếp thu; sống khép kín, quan hệ xã hội giảm sút. Điều này gây ức chế, xung đột trong nội tâm khiến bệnh càng trở nên trầm trọng, dễ dẫn đến ý định tự tử.
Lý giải về việc ngày càng nhiều trẻ em và giới trẻ nói chung bị rối loạn hành vi, cảm xúc, BS Thắng cho rằng giới trẻ ngày nay bị nhiều áp lực từ học tập, công việc, gia đình và môi trường sống. Việc phải đối mặt những khó khăn, thách thức nhưng ít có sự đồng cảm, chia sẻ của người thân trong gia đình dẫn đến hệ quả xấu. Nhiều em lại được gia đình bao bọc quá mức, thiếu sự trải nghiệm thực tế, thiếu bản lĩnh, không dám đối mặt và đương đầu những khó khăn.
BS Thắng cho rằng trong một xã hội phát triển, con người đòi hỏi phải phấn đấu làm việc nhiều hơn, học tập nhiều hơn, các mối quan hệ, công việc căng thẳng hơn nên rối loạn hành vi, cảm xúc diễn ra khá phổ biến. Chứng này nếu không được điều trị đúng mức thì tác hại vô cùng lớn cho xã hội. Bởi lẽ, những người trầm cảm luôn cảm thấy bản thân không có năng lực, không có giá trị, mệt mỏi, kiệt quệ, muốn từ bỏ mọi thứ. Họ thấy mình như người tật nguyền, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bác sĩ Bùi Xuân Mạnh - Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) - khuyến cáo phụ huynh cần đưa con em đi khám khi thấy những dấu hiệu rối loạn hành vi, cảm xúc diễn ra quá mức, dai dẳng. Theo BS Mạnh, hiện nay, rối loạn hành vi và cảm xúc hoặc rối loạn nhân cách ranh giới ở trẻ xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh môi trường, các yếu tố khác như di truyền, thai sản, sinh nở, đặc biệt là những sang chấn, stress, bạo lực trong gia đình hoặc lo âu, căng thẳng trong học tập, cuộc sống đã tác động rất lớn đến rối loạn hành vi, cảm xúc của trẻ.
BS Mạnh nhấn mạnh rối loạn hành vi, cảm xúc chỉ là triệu chứng. Triệu chứng này có thể là dấu hiệu của những bệnh lý khác nhau như rối loạn cảm xúc khí sắc liên quan đến rối loạn trầm cảm; hành vi, cảm xúc thay đổi... Trẻ thay đổi về hành vi, cảm xúc sẽ phương hại đến cuộc sống gia đình, nhà trường. Để điều trị, cần có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm giúp trẻ giảm những căng thẳng, lo âu; cùng với nhà trường có các phương pháp giáo dục hợp lý.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm gây tổn thất nghiêm trọng đến cuộc sống xã hội xếp thứ 2 sau bệnh tim mạch. WHO cho rằng việc ruồng bỏ hay gạt sang bên lề người mắc trầm cảm là vấn đề lớn, ngăn cản nhiều người tìm đến các dịch vụ giúp đỡ. |
Theo Trịnh Hiệp/Người lao động