Hơn 5.000 dược liệu cùng gần 1.300 bài thuốc dân gian được y học cổ truyền Việt Nam công nhận, nhiều loài quý hiếm như sâm, ba kích, ngân đằng...
Phát biểu tại hội chợ dược liệu và y dược cổ truyền khai mạc ngày 20/3 ở Hà Nội, ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là quốc gia phong phú về nguồn dược liệu. Đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp dược liệu và y học cổ truyền.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc từ thảo dược để chăm sóc sức khỏe. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, 1/4 số thuốc thống kê trong các đơn chứa hoạt chất thảo mộc. Ngày nay việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là xu thế được các nhà khoa học quan tâm.
Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 50.000-60.000 tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ dược liệu của Việt Nam rất lớn.
Bác sĩ khám bệnh cho khách tham quan hội chợ dược liệu cổ truyền, ngày 20/3. Ảnh: L.N
Hiện cả nước có 226 cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền, trên 1.400 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, quy mô cũng như trình độ sản xuất còn manh mún, lạc hậu, thiếu tính liên kết, 80% nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Chất lượng các sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu trong nước còn nhiều hạn chế.
Để đưa dược liệu trở thành thế mạnh của ngành dược Việt Nam, Bộ Y tế quy hoạch nhiều vùng trồng dược liệu quy mô lớn. Khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây vị thuốc, phù hợp với nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu kỹ thuật mới.
Theo Lê Nga/VnExpress