Việt Nam đến nay đã thực hiện gần 3.700 ca ghép tạng, đặc biệt là 7 ca ghép tạng được tiến hành xuyên Việt.
Khó khăn lớn nhất với lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam hiện nay không phải là kỹ thuật, nhưng rất nhiều người bệnh phải ra nước ngoài để tiến hành ghép tạng. Nguyên nhân là do nguồn tạng hiến tặng để ghép cho người bệnh không đủ so với nhu cầu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Tổ chức Điều phối ghép tạng.
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Tổ chức Điều phối ghép tạng diễn ra sáng 18/3, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, muốn làm được tốt điều phối ghép tạng, đầu tiên phải xây dựng danh sách chờ ghép quốc gia.
“Việt Nam có hơn 90 triệu dân, thì phải trả lời được câu hỏi có bao nhiêu người đang cần ghép gan? Bao nhiêu người cần ghép tim? Bao nhiêu người cần ghép thận?... Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân. Hầu như ngày nào tại các bệnh viện cũng có hàng chục bệnh nhân chết não nhưng số trường hợp hiến tạng còn ít”, ông Trịnh Hồng Sơn cho biết.
Theo số liệu thống kê, đến nay cả nước đã thực hiện được gần 3.700 ca ghép tạng, trong đó có hơn 3500 ca ghép thận, 150 ca ghép gan và 28 ca ghép tim. Đặc biệt là 7 ca ghép tạng được tiến hành xuyên Việt.
Nêu thách thức với lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, dù nước ta hiện nay có 19 trung tâm ghép tạng nhưng sự kết nối thông tin chưa hiện đại. Do đó, những kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế chia sẻ tại Hội thảo sẽ góp phần giúp Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia khắc phục vấn đề này.
Giám đốc Mạng lưới chia sẻ các cơ quan nội tạng (UNOS) của Mỹ David K. Klassen cho biết, Mỹ cũng đang phải đối mặt với thực tế thiếu nguồn tạng ghép. Song, đây là lĩnh vực được quan tâm và đạt được nhiều bước tiến tại Mỹ. Trong khi đó, tại Pháp và các nước châu Âu, hoạt động hiệu quả của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia Pháp và mạng lưới toàn châu Âu giúp sử dụng hiệu quả nhất mô, tạng của người hiến. Tại Nhật Bản, mô hình quản lý và điều phối của “đất nước mặt trời mọc” đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giai là mô hình chuẩn để các quốc gia trên thế giới áp dụng.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo những tiến triển tích cực mà Việt Nam có được trong lĩnh vực này: “Hiện cả nước đã có gần 20.000 người đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời, tăng hàng trăm lần so với 5 năm trước”.
Hiện một số nước trên thế giới đã thực hiện việc tích hợp thẻ hiến tạng trong bằng lái xe với các thông số về sức khỏe. Điều đó giúp mọi người thêm cơ hội lựa chọn, thêm cơ hội đăng ký hiến tạng mô, tạng mà không nhất thiết phải đến các bệnh viện.../.
Theo Thiên Bình/VOV.VN