Tại Việt Nam, bệnh sán lợn khá phổ biến ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và một số tỉnh trung du. Đây không phải là bệnh cấp tính và có thể điều trị khỏi.
Theo các chuyên gia y tế, nhiễm sán lợn có 2 loại, gồm: ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành. Với thể bệnh ấu trùng sán lợn, người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể.
Nếu nhiễm ấu trùng sán lợn, bệnh nhân có thể bị co giật, động kinh. Các bác sĩ cho rằng, trẻ nhỏ bị ấu trùng sán lợn tấn công lên não sẽ gây ảnh hưởng đến việc học tập như giảm chú ý, mất tập trung, co giật. Nếu trẻ mắc bệnh sán dây trưởng thành, trẻ sẽ có biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ, cảm giác khó chịu, bứt rứt.
Ngày 17/3, vẫn có hàng trăm trẻ đến xét nghiệm sán lợn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng TW.
Bộ Y tế cho biết, hiện có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn. Đối với trẻ nhỏ, việc trẻ nghịch, chơi ở môi trường không đảm bảo vệ sinh cũng là nguy cơ cao gây nhiễm giun sán ở trẻ. Theo các bác sĩ, Việt Nam là đất nước nhiệt đới, việc nhiễm ký sinh trùng giun sán là không tránh khỏi. Bệnh sán lợn khá phổ biến ở các tỉnh đồng bằng bắc bộ và một số tỉnh trung du.
Các bác sĩ cũng cho rằng, sán lợn không phải là bệnh cấp tính và hoàn toàn có thể điều trị khỏi được. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, phụ huynh không nên quá lo lắng khi các cháu có kết quả dương tính với nhiễm sán lợn. Theo GS Kính, việc điều trị sán lợn cũng rất đơn giản theo phác đồ của Bộ Y tế.
“Sán lợn có thể lây do nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thủy sinh không rửa sạch, không nấu chín) hoặc lây từ các thực phẩm không được nấu chín. Dù vậy, đây không phải là bệnh cấp tính do đó các phụ huynh hết sức bình tĩnh. Khi nghi ngờ con có giun sán nên đưa đến các bệnh viện khám.”- GS Kính cho biết.
Theo phác đồ điều trị hiện nay, để tiêu diệt sán trưởng thành chỉ mất 1 ngày, tiêu diệt hết trứng sán mất 2 tuần. Do đó các trường hợp dương tính sẽ được bác sĩ tư vấn, quay lại để nhận thuốc điều trị. Nếu uống đủ trong 15 ngày sẽ sạch sán.
Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi./.
Tính đến 21h ngày 17/3, kết quả xét nghiệm số trẻ từ Bắc Ninh đến khám tại hai Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương đã có 209 trẻ dương tính với sán lợn. Đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng, do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn đang chạy kết quả hơn 500 trường hợp đến xét nghiệm trong ngày 16/3. Liên quan đến việc xét nghiệm này, BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, do phát hiện nhiều trường hợp dương tính chéo với nhiều loại kí sinh trùng khác nên ngoài sán lợn, trẻ được xét nghiệm thêm sán chó, sán lá gan. Vì vậy, dự kiến phải hết ngày 17/3, bệnh viện mới có số liệu cập nhật. |
Theo T.H/VOV.VN