Đến bây giờ, không ai có thể phủ nhận rằng tập thể dục thường xuyên sẽ mang lại một loạt các lợi ích sức khỏe cho người tập. Nhưng liệu có bao giờ là quá muộn để bắt đầu?
Hầu hết các nghiên cứu không được thiết kế để trả lời câu hỏi này, vì các nghiên cứu về tập thể dục thường ghi lại mức độ hoạt động thể chất của đối tượng tại một thời điểm nào đó: thanh niên, trung niên hoặc cao hơn. Nhưng Pedro Saint-Maurice, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Ung thư Quốc gia thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH) Mỹ, và các đồng nghiệp của ông muốn tìm hiểu xem lợi ích của việc tập thể dục có thay đổi hay không nếu mọi người vẫn hoạt động trong hầu hết cuộc đời, hoặc, giống như hầu hết chúng ta, tuân thủ chế độ tập thể dục trong suốt cuộc đời theo kiểu “bữa đực bữa cái”.
“Chúng ta không biết nhiều về việc tham gia tập thể dục lâu dài”, ông nói. “Việc giữ lối sống năng vận động, hoặc thất thường lúc ít lúc nhiều, hoặc duy trì mức độ vận động thấp ảnh hưởng đến các nguy cơ sức khỏe như thế nào?”
Trong nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open, các nhà nghiên cứu đã hỏi hơn 315.000 người Mỹ - trong độ tuổi từ 50 đến 71 - về hoạt động trong thời gian rảnh rỗi tại bốn thời điểm khác nhau trong cuộc đời: ở tuổi 15-18, 19-29, 35-39 và 40-61.
Những người nói rằng họ tập thể dục ở bất cứ đâu từ hai đến tám giờ một tuần vào mỗi khoảng thời gian này có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn từ 29% đến 36% trong suốt 20 năm nghiên cứu, so với những người hiếm khi hoặc không bao giờ tập thể dục. Họ cũng giảm tới 42% nguy cơ tử vong vì bệnh tim và 14% nguy cơ tử vong do ung thư so với người không vận động. Càng tập nhiều thì mức độ giảm nguy cơ càng lớn.
Căn cứ vào những lợi ích sức khỏe mà tập thể dục mang lại, thì điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi xem xét những người lười vận động khi còn trẻ, nhưng đã tăng mức độ tập thể dục sau tuổi 40 vượt mức mà họ thực hiện khi còn trẻ. Những người này cũng biểu hiện mức giảm nguy cơ tử vong sớm tương tự như những người tập thể dục đều đặn trong suốt cuộc đời - giảm từ 32% đến 35% so với những người không tập thể dục. Gigảm nguy cơ trong bệnh tim và ung thư cũng tương tự như những người tập thể dục đều đặn. Và đối với nhóm đối tượng này, những người tăng mức độ tập thể dục cũng biểu hiện những lợi ích lớn nhất.
Vậy tại sao lại phải tập thể dục đều đặn suốt đời? Có những lợi ích khác, cả về tinh thần và thể chất, để luôn duy trì vận động động – thêm vào đó, nếu bạn tạo thói quen tập thể dục khi bạn còn trẻ, bạn sẽ dễ duy trì được mô hình đó về sau này. Thông điệp quan trọng hơn, là kết quả cho thấy việc bạn bắt đầu tập thể dục vào lúc nào không phải là vấn đề. Cho dù muộn, bạn vẫn sẽ được lợi.
“Sẽ rất tốt khi duy trì một lối sống năng động mọi lúc bất kể tuổi tác”, Saint-Maurice nói. “Nhưng một điều tốt là nếu bạn đã trot lười vận động khi còn trẻ, bạn vẫn có thể được hưởng lợi nếu bắt đầu tập thể dục ở độ tuổi 40 và 50, dựa trên kết quả của chúng tôi”.
Điều đáng chú ý là những người tham gia nghiên cứu đã báo cáo về thói quen tập thể dục của họ từ nhiều thập kỷ trước, vì vậy có thể có những lỗi đã được xóa bỏ. Và cuộc khảo sát đã không hỏi về kiểu tập của các đối tượng. Hầu hết những người đang tập thể dục đều thực hiện 150 phút hoạt động thể chất từ trung bình đến mạnh mỗi tuần theo khuyến nghị của chính phủ. Nghiên cứu cho thấy rằng hoạt động thể chất không nhất thiết phải thật nhiều ngay một lúc; thậm chí những lượng vận động nhỏ có thể cộng dồn.
Một số nghiên cứu khác đã gợi ý tại sao tập thể dục lại có thể hiệu quả như vậy trong giảm nguy cơ tử vong sớm. Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm béo phì, cũng như bệnh tiểu đường týp 2, cả hai đều là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim và có thể góp phần gây ra lão hóa và tử vong sớm.
“Thật là một thông điệp tuyệt vời khi rằng vẫn chưa quá muộn nếu bạn chưa đi đúng quỹ đạo tập thể dục”, Saint-Maurice nói.
Cẩm Tú/Dân trí
Theo Time