Trước diễn biến các bệnh dịch truyền nhiễm gia tăng, ngày 15/3 Bệnh viện Bạch Mai đã ra mắt Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.
Tại hội thảo khoa học về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới diễn ra cùng ngày, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết trong năm 2018 có 10 dịch bệnh truyền nhiễm lớn nhất năm trên thế giới như sởi, bạch hầu, viêm gan A ở Mỹ, bệnh than ở Madagascar, nhiễm E.colo từ bơ đậu nành ở vài bang của Mỹ, cúm gia cầm A/H7N9 quay trở lại Trung Quốc...
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam.
Tại Việt Nam sởi cũng có nhiều nguy cơ với số ca mắc nhiều trong năm 2018, trong khi đó đây là bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sởi là bệnh có thể ngừa bằng vắc xin. Theo đó, nếu tiêm thì không mắc bệnh, có mắc cũng ở thể nhẹ. Nhưng thực tế thời gian qua Trung tâm tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân sởi, với 50% số ca mắc là ngời lớn.
Điều này cho thấy miễn dịch cộng đồng còn những vùng trũng, vẫn có những nguời chưa có miễn dịch. Trong khi đó, sởi là một bệnh truyền nhiễm vô cùng dễ lây. Hầu như những người chưa từng mắc sởi, tiếp xúc nguồn lây đều có nguy cơ lây bệnh. Đặc biệt GS Kính cảnh báo các biến chứng nguy hiểm của sởi, nhất là ở những trẻ có miễn dịch kém, sẵn bệnh lý nền.
Biến chứng sởi trẻ em ám ảnh nhất với bác sĩ là biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản gây phù nề khiến trẻ khó thở, tắc thở. Nhiều trẻ khi đến bệnh viện đã ngừng thở, bác sĩ phải cấp cứu 2 tiếng liên tục. Biến chứng viêm phổi cũng gây ra số ca tử vong nhiều nhất so với các biến chứng khác, như vụ dịch sởi năm 2014 đã khiến hơn 100 trẻ tử vong vì biến chứng này.
Biến chứng viêm não cũng rất nghiêm trọng, xảy ra ở cả ngời lớn và trẻ em. Biến chứng viêm não có thể để lại những di chứng nặng nề cả đời cho người mắc bệnh, khiến từ một người khỏe mạnh bình thường sau khi mắc sởi, bị biến chứng có những di chứng về thần kinh khó phục hồi.
Ngoài ra, biến chứng tiêu chảy, mắt mũi kèm nhèm cũng rất hay gặp ở sởi, phải hết sức chú ý chăm sóc phòng nguy cơ mất nước, trụy mạch.
Chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Theo đó, trẻ từ 9-12 tháng tuổi cần được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi.
Ngày nay, sự biến đổi khí hậu đã làm thay đổi cơ cấu các bệnh truyền nhiễm, khiến các bệnh này có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào với mức độ nguy hiểm cao và diễn biến khó lường. Các dịch bệnh truyền nhiễm như như dại, sốt xuất huyết, liên cầu lợn, viêm màng não, cúm gia cầm, cúm, bệnh lây từ động vật sang người luôn đe dọa. ..
Các bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm, trong đó 75% bệnh bắt nguồn từ động vật như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, MERS-CoV, Ebola...
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới là tuyến cuối chẩn đoán điều trị bệnh nhân các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới sẽ tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, đào tạo, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học, hợp tác Quốc tế nhằm thúc đẩy, tăng cường phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Theo Tú Anh/Dân trí