Thuốc ARV do bảo hiểm y tế chi trả thay thế cho thuốc viện trợ quốc tế kết thúc vào năm 2018.
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết, ARV là thuốc ức chế sự phát triển của virus HIV trong cơ thể người bệnh. Thuốc ARV đã triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm nay từ nguồn tài trợ quốc tế, cấp miễn phí cho người nhiễm HIV. Hiện hơn 115.000 người nhiễm HIV được điều trị ARV.
Nguồn viện trợ đã kết thúc vào năm 2018, khi Việt Nam thoát khỏi ngưỡng nước nghèo. Chính phủ chủ trương bảo hiểm y tế sẽ chi trả chi phí thuốc ARV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế.
Người nhiễm HIV phải điều trị bằng thuốc ARV liên tục và suốt đời, chi phí rất cao bao gồm thuốc, các xét nghiệm CD4, tải lượng virus, xét nghiệm chức năng gan, thận... Nếu bảo hiểm không chi trả, người bệnh phải tốn kém nhiều và nhiều trường hợp bỏ điều trị.
Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện cả nước có 209.000 người nhiễm HIV còn sống. Ngành y tế đang quản lý 175.000 bệnh nhân, còn 45.000 người chưa tiếp cận được với thuốc ARV. Những người này có thể không kiểm soát được tải lượng virus sẽ làm lây lan ra cộng đồng qua các hành vi tình dục hoặc tiêm chích không an toàn.
Thuốc ARV giúp người bệnh khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ, giảm lây truyền HIV do khống chế lượng virus trong máu người nhiễm giảm ở mức thấp.
Khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện 200 bản sao/ml máu sẽ không lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV sớm thì đến 98% trẻ sinh ra không lây nhiễm.
Theo Lê Nga/VnExpress