Ngày Tết, lượng người, xe cộ tham gia giao thông đều gia tăng đột biến. Sự việc em sinh viên đại học Y Hà Nội trên đường trở về quê tại Hòa Bình nghỉ Tết bất ngờ gặp nạn, đã ra đi mãi mãi cũng là lời nhắc nhở sâu sắc, trên đường đi đông đúc ấy, mọi người hãy thận trọng để giữ mình an toàn.
Tuân thủ đúng làn đường, đúng tốc độ
Khi tham gia giao thông, việc đầu tiên, mọi người hãy tuân thủ đúng làn đường của mình, tiếp đó, hãy đi đúng tốc độ. Cũng cần lưu ý, các ca tai nạn ở nội đô thương tích thường không quá nặng nề do tốc độ di chuyển chậm, nhưng ở đường cao tốc, quốc lộ, chấn thương do tai nạn rất trầm trọng do tốc độ đi nhanh, khi xảy ra va chạm sẽ gây tác động rất mạnh.
Vì thế, đừng vì một phút vội vã tăng tốc quá nhanh. Đường dài đi mãi cũng đến đích, chậm vài chục phút, bạn vẫn được về quê ăn Tết trong bình an.
Bên cạnh đó, hãy bảo dưỡng xe cộ định kỳ, có gương chiếu hậu, đi tốc độ vừa phải để kịp thời quan sát, xử lý các tình huống có thể xảy ra trên đường đi.
Cần có mũ bảo hiểm tốt
Đi xe máy trong nội đô, dù tốc độ chậm, mũ bảo hiểm vô cùng quan trọng. Đi đường quốc lộ, mũ bảo hiểm càng đặc biệt quan trọng. Vì thế, khi đã đi xe máy trên đường, hãy lựa chọn trước những chiếc mũ bảo hiểm tốt để có thể bảo vệ được vùng đầu mặt tốt nhất khi đi đường.
Tại Khoa Cấp cứu (BV Việt Đức), vào các kỳ nghỉ lễ năm nào cũng tiếp nhận nhiều ca tai nạn giao thông, khi xảy ra va chạm, người ngã đập đầu xuống đất nhưng vì không có mũ bảo hiểm bảo vệ, mũ kém chất lượng nên tình trạng chấn thương sọ não, máu tụ rất nguy hiểm.
Hãy luôn ý thức đội mũ bảo hiểm chất lượng khi cầm lái là cách bảo vệ mình, giảm các rủi ro.
Đã lái xe, tuyệt đối không rượu bia
Khi uống rượu đến ngưỡng nồng độ rượu trong máu từ 50 – 100mg/dL, người uống sẽ chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường.
Vì thế, dù ở ngưỡng thấp người ta vẫn đưa ra khuyến cáo người đã rượu bia không nên lái xe để phòng những bất trắc khi lưu thông trên đường.
Từ 100 – 200mg/dL, người say sẽ có hiện tượng nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, sững sờ…
Từ 200 – 400mg/dL, người say bị ức chế hô hấp, thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi, ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), đái ỉa ra quần, tụt huyết áp, hôn mê.
Ở mức trên 400 có nguy cơ trụy tim mạch, tử vong.
Điều này cho thấy tác động của rượu bia là vô cùng nguy hại với người điều khiển phương tiện giao thông. Mới đây, câu chuyện người phụ nữ lên mạng xã hội than thở nhà mình tất niên cũng là hết tết chắc hẳn khiến nhiều người giật mình. Chồng người phụ nữ sau bữa nhậu tất niên với bạn, lái xe về nhà bị gây tai nạn, may mắn không gây chết người nhưng anh cũng phải đón Tết trong bệnh viện.
Tai nạn xảy ra tại ngã tư Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí (TP Hồ Chí Minh). Người phụ nữ là vợ đã rất tức giận vì biết chồng nhậu, đã muốn anh dừng cuộc nhậu sớm nhưng những người bạn kiên quyết không “tha”, ép anh uống say dẫn đến tai nạn lật xe trên đường về nhà.
Những ngày Tết đang rất cận kề, các bác sĩ cấp cứu, chống độc càng thêm lo ngại những trận nhậu tưng bừng ngày cuối năm dẫn đến ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm và nguy hiểm không kém đó là TNGT. Chỉ trong một tích tắc không làm chủ tốc độ vì bia rượu, gặp tai nạn có thể cướp đi mạng sống của chính mình.
Vì thế, bia rượu chỉ nên uống cho vui chứ đừng ép uống đến say. Khi đã ngồi vào bàn nhậu, uống 1 – 2 ly rượu, cốc bia, cũng xin đừng vì sĩ diện “có say đâu” rồi cầm lái để tránh những tai nạn đáng tiếc do bia rượu gây ra.
Theo Dân trí