Bảo quản đồ ăn sống chín lẫn lộn, thậm chí dự trữ hàng tháng trời trong tủ lạnh chính là những tác nhân "hại thân" ngày Tết. Chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra những bí kíp bảo quản thực phẩm đúng cách.
Không bảo quản lâu trong tủ lạnh
Bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, thời điểm Tết Nguyên đán, có rất nhiều bệnh nhân nhập viện do rối loạn tiêu hóa mà nguyên nhân chính thường là do các gia đình có thói quen tích trữ thực phẩm để dùng trong mấy ngày Tết. Thực tế, không nên mua tích trữ vì mồng 3 tết, người dân đã có thể mua được thực phẩm tươi sống.
Thực phẩm chín sống lẫn lộn khiến cho thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn… Các tác nhân gây ngộ độc có thể là các loại vi khuẩn, độc tố nấm... hoặc các chất phụ gia, chất bảo quản.
Không dùng vật dụng nhựa để đựng thức ăn.
Trước tình trạng này, bác sĩ Khánh khuyên người dân tránh lạm dụng tủ lạnh. Việc bảo quản trong tủ lạnh nên thực hiện trong vòng 2 tiếng sau khi mua về hoặc chế biến, tránh để các loại thịt, cá ngoài trời quá lâu. Với cá, hải sản, chỉ nên bảo quản tối đa 2 ngày, các loại thịt có thể 3 - 5 ngày. Đặc biệt, đã rã đông thì dùng hết một lần, không cho đông lại.
Về vật dụng đựng thức ăn, bác sĩ Khánh chỉ ra những sai lầm tai hại khi trữ thực phẩm bằng đồ nhựa. Những hạt nhựa li ti sẽ qua thức ăn, nước uống để vào cơ thể, gây nên những tổn thương tế bào vĩnh viễn. Vì thế, nên dùng đồ sứ, thuỷ tinh, inox, giấy… để đựng thực phẩm.
3 nguyên tắc "vàng" khi trữ đồ ăn tủ lạnh
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), để việc sử dụng tủ lạnh bảo quản thực phẩm được hiệu quả và tươi ngon, các bà nội trợ cần nắm được những nguyên tắc "vàng".
Thứ nhất, nên chú ý đến việc vệ sinh tủ lạnh. Trong tủ lạnh hay có hiện tượng đọng đá, những nước đá đọng lại ấy có mang những vi khuẩn của những thực phẩm trước vô hình chung khiến thực phẩm bị lây nhiễm vi khuẩn.
Những thực phẩm tươi sống hoàn toàn như thịt, cá nếu chúng ta để chung cùng một nơi có những loại thực phẩm đã được nấu chín như giò, chả sẽ xảy ra hiện tượng “nhiễm chéo” từ những thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín.
Phân loại đồ ăn trước khi sắp xếp.
Thứ hai cần chia nhỏ thực phẩm thành từng phần trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản. Khi nhiệt độ hạ xuống để thực phẩm đông cứng lại, bà nội trợ mang ra cả khối thực phẩm và dùng dao chặt nhỏ lấy một phần để sử dụng, thì phần thực phẩm không sử dụng tới sẽ bị tan đá và lại bị nhiễm vi khuẩn.
Vì vậy, nếu sử dụng thực phẩm kích thước lớn chúng ta nên làm sạch sau đó thái thành từng miếng vừa phải cho từng bữa ăn, bọc lại rồi mới bỏ vào trong tủ lạnh để khi ăn chúng ta ăn phần nào lấy ra phần ấy.
Thứ ba về vấn đề rã đông, khi lấy thực phẩm từ trong tủ lạnh, chúng ta thường có thói quen cho vào nước nóng để làm tan đá, làm lãng phí chất dinh dưỡng bởi vì tế bào bị vỡ ra, thoát ra ngoài cùng nước, làm giảm chất dinh dưỡng.
Chúng ta nên cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn dưới để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh khuyến cáo, vào dịp Tết Âm lịch, chúng ta sử dụng nhiều sản phẩm đông lạnh dễ nhiễm khuẩn. Vì thế, khi có biểu hiện đau bụng quặn, mót rặn, buồn nôn và nôn… nên kiểm tra bữa ăn vừa dùng, đồng thời nhanh chóng đến trung tâm y tế gần nhất để xử lý, truyền nước và điện giải.
Theo Thảo Anh/Lao động