Ăn nhiều hơn 200 g thịt mỗi ngày gây táo bón, sỏi thận, tăng cân, bệnh gout, ung thư, các vấn đề về tim…
Tóc và da xấu đi
Theo Reader’s Digest, khi ăn quá nhiều thịt, bạn không thể cung cấp cho cơ thể lượng vitamin cần thiết có trong rau củ, dẫn đến thiếu chất. Vitamin C đóng vai trò hình thành collagen nuôi dưỡng tóc, móng, da. Thiếu collagen da trở nên thô ráp, sần sùi.
Táo bón
Táo bón là dấu hiệu của việc thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống. Bạn nên giảm bớt khẩu phần thịt, tăng lượng rau củ, trái cây, ngũ cốc trong chế độ ăn hằng ngày.
Sức khỏe tim bị đe dọa
Chất xơ giúp cơ thể hạn chế hấp thụ cholesterol, bảo vệ tim. Các loại thịt có màu đỏ hoặc thịt chế biến sẵn chứa nhiều chất béo bão hòa, tích tụ carnitine gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim.
Sỏi thận
Thận có thể bị tổn hại khi lượng protein trong cơ thể ở mức cao. Protein động vật phân hủy thành axit uric, gây sỏi thận. Ăn nhiều thịt trong thời gian dài khiến thận suy yếu, đào thải các chất độc khó khăn.
Tăng cân
Cơ thể cần protein để tái tạo cơ bắp nhưng thịt chứa nhiều calo, chất béo bão hòa, dẫn tới tăng cân và béo bụng. Người tăng cân dễ mắc bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đau xương khớp.
Ung thư đại tràng
Thịt cần nhiều thời gian để tiêu hóa, dễ gây tổn thương thành ruột, dẫn tới ung thư đại tràng.
Bệnh gout
Khi thận không đủ khả năng lọc thải hết các chất độc hại, carnitine và axit uric tăng cao trong máu. Axit uric lắng đọng trong các khớp nhỏ như ngón tay, ngón chân gây nên bệnh gout và tình trạng đau nhức cho bệnh nhân.
Rối loạn hormone
Hormone được tiêm vào động vật nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và sinh sản, gây ra nhiều rối loạn trong cơ thể con người, mất cân bằng hormone, dậy thì sớm ở trẻ.
Bệnh Alzheimer
Thịt có màu đỏ chứa nhiều sắt, liên quan tới bệnh Parkinson và Alzheimer. Dư thừa sắt thúc đẩy phản ứng của gốc tự do gây hại và stress oxy hóa.
Theo Tuấn Anh/VnExpress