Trong cuộc sống ai cũng phải đối mặt với những khó khăn, nhưng người có suy nghĩ tích cực sẽ nhẹ nhàng vượt qua được nhiều vấn đề. Chưa kể những người luôn có suy nghĩ tích cực sẽ trẻ đẹp hơn và cũng kéo dài được tuổi thọ hơn.
Sống lạc quan, vui vẻ với tư duy tích cực sẽ giảm được bệnh tật - Ảnh: Duyên Phan
Năm mới 2019, các chuyên gia y tế gửi gắm những ý kiến ý nhị mang đến niềm vui, sức khỏe cho mọi gia đình.
* PGS.TS.BS NGUYỄN THANH HIỆP (hiệu phó Trường đại học y Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM):
Suy nghĩ tích cực tạo hệ miễn dịch tốt
Trong cuộc sống, một người có suy nghĩ tích cực sẽ luôn có tâm lý đón nhận sự việc tốt hơn, dù gặp phải biến cố gì cũng không để bị rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm, thậm chí có thể dẫn đến hành động không nên làm.
Người xưa có câu: "Trong cái xui có cái hên". Đây là câu nói hàm chứa suy nghĩ tích cực, giúp người gặp khó khăn suy nghĩ tích cực. Xui cái này nhưng lại hên cái khác. Ví dụ mình bị giật đồ trong lúc đi đường nhưng nếu suy nghĩ tích cực sẽ thấy cái may là mình không bị tai nạn. Còn nếu suy nghĩ tiêu cực chỉ thấy việc mất đồ là buồn.
Về mặt y học, tinh thần quyết định rất nhiều trong vấn đề tạo hệ miễn dịch. Những người có suy nghĩ tích cực thì sức đề kháng của họ sẽ tốt hơn. Suy nghĩ tích cực giúp cơ thể tạo ra hệ miễn dịch tốt, giúp cơ thể khỏe hơn và nếu có vết thương sẽ mau lành hơn.
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh ở những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính nếu lạc quan, yêu đời, suy nghĩ tích cực như "tôi còn được sống, tôi còn khả năng chiến đấu với bệnh tật" thì sức đề kháng sẽ tốt hơn những người có suy nghĩ tiêu cực như "tại sao tôi lại bị mắc bệnh, bệnh làm cho cuộc sống của tôi đã khổ càng khổ thêm...".
Suy nghĩ tích cực cần được tập từ nhỏ và phải được rèn như một kỹ năng mềm. Các bậc ba mẹ dạy con có cách suy nghĩ tích cực từ nhỏ bằng chính cách suy nghĩ tích cực, ứng xử của ba mẹ. Cách dạy cho trẻ hay nhất chính là ba mẹ làm gương cho trẻ. Khi trẻ tập được thói quen này thì lớn lên sẽ trở thành một người có suy nghĩ tích cực.
Còn những người chưa được tập từ nhỏ thì chính bản thân mình phải tự tập, tự thay đổi để có suy nghĩ tích cực hơn.
Trong một cuốn sách tôi từng đọc đã viết mỗi người trong chúng ta đều có một cái xô cảm xúc. Cái xô này chứa suy nghĩ tích cực hay tiêu cực là do chính chúng ta tự đổ vào.
* TS.BS HOÀNG THỊ DIỄM TUYẾT (giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM):
Những người luôn cười, vui vẻ sẽ có kết quả tốt
Trong cuộc sống ai cũng có những khó khăn phải giải quyết, nhưng nếu giải quyết theo hướng tích cực, vui vẻ sẽ mang lại kết quả cao hơn.
Khi mình vui vẻ, suy nghĩ tích cực sẽ nhận được những điều vui vẻ, tích cực. Tôi thường nói với nhân viên trong bệnh viện cùng là một lời nói với bệnh nhân nhưng khi nhân viên y tế nói nhẹ nhàng, vui vẻ thì bệnh nhân sẽ vui và khi đó nhân viên y tế cũng vui. Còn khi nhân viên y tế suy nghĩ tiêu cực nói những lời cáu gắt, bệnh nhân sẽ không vui, phản ảnh lại đường dây nóng của bệnh viện thì lại gây ra phiền phức, sau này chính nhân viên y tế phải chịu hậu quả.
Trong cuộc sống có nhiều điều không như ý. Cái gì cần nhớ thì nhớ, còn cái gì làm mình không vui, không giải quyết được thì để qua một bên. Nhiều chị em đi làm thụ tinh trong ống nghiệm mới đến gặp bác sĩ nhưng đã nói với bác sĩ em lo quá, không biết kết quả thế nào... Lẽ ra bệnh nhân cần lạc quan, uống thuốc đúng giờ, sinh hoạt điều độ... để có kết quả tốt.
Sau rất nhiều năm khám điều trị bệnh cho bệnh nhân, tôi thấy những bệnh nhân lạc quan, vui vẻ, suy nghĩ tích cực thường có kết quả điều trị tốt. Còn những bệnh nhân đến với gương mặt ủ rũ, tâm trạng căng thẳng thì kết quả thường không được như mong muốn. Thế nên hãy suy nghĩ tích cực để nhận được những điều tích cực. Với phụ nữ, nên suy nghĩ tích cực để xinh đẹp hơn, yêu đời, yêu người hơn và công việc thành công hơn.
* TS.BS ĐẶNG HUY QUỐC THỊNH (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):
Giải pháp tự nhiên để giảm bệnh
Các nhà nghiên cứu về tâm lý cho hay một người bình thường khi tiếp nhận một thông tin có biến cố bất lợi trong cuộc sống có diễn tiến tâm lý theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên sẽ bị sợ hãi khi cái xấu đến đột ngột với mình (ví dụ như biết tin mắc bệnh ung thư). Sự sợ hãi trong giai đoạn này chưa ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tiếp đó, con người sẽ chuyển sang trạng thái lo âu, suy nghĩ đến viễn cảnh cuộc sống của mình trong tương lai. Nếu trạng thái này kéo dài quá mức, không kiểm soát được sẽ dẫn đến triệu chứng thường gặp nhất là mất ngủ triền miên. Mất ngủ trong một thời gian dài sẽ dẫn đến suy giảm thể chất và tinh thần.
Giai đoạn thứ 3 là có thể chuyển sang tâm lý trầm cảm, tuyệt vọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Nếu đó là người mắc bệnh ung thư, người bệnh sẽ từ chối điều trị dù vẫn điều trị được, có thể dẫn đến trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực như tìm đến cái chết, hoặc nhẹ hơn là từ chối can thiệp y học. Ngay cả khi bệnh nhân chấp nhận điều trị nhưng luôn trong trạng thái trầm cảm, bi quan thì kết quả điều trị cũng không thuận lợi.
Trong y văn, có rất nhiều nghiên cứu cho thấy trong cuộc sống bình thường những người có cuộc sống lạc quan, vui vẻ luôn vượt qua được những trắc trở, khó khăn trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng thì bệnh tật sẽ ít hơn hẳn so với những người sống trong trạng thái tâm lý lo lắng, dằn vặt.
Người lạc quan luôn có tuổi thọ dài hơn những người bi quan. Trong bệnh ung thư cũng thế, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy cùng điều trị cho bệnh nhân ung thư nhưng những người có suy nghĩ tích cực (lạc quan, chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận điều trị) có kết quả điều trị tốt hơn so với những bệnh nhân có suy nghĩ tiêu cực (bi quan, trầm cảm). Trong tất cả các loại bệnh ung thư, những người có suy nghĩ tích cực luôn có thời gian sống thêm dài hơn.
Bệnh nhân ung thư chỉ cần lạc quan, tư duy tích cực thì morphine nội sinh (tham gia điều hòa tất cả hoạt động của hệ thần kinh, hệ nội tiết và đặc biệt là hệ miễn dịch của cơ thể) sẽ hỗ trợ thêm cho cơ thể để cản trở sự phát triển của tế bào ung thư. Lúc đó kết quả điều trị tốt, tác dụng phụ của thuốc ít bị ảnh hưởng bởi họ có sẵn morphine nội sinh trong cơ thể.
Morphine nội sinh sẽ làm tăng hàm lượng chất melatonin, chất này giúp ngủ ngon, trạng thái thể chất tốt. Một người lạc quan, vui vẻ, tư duy tích cực thường trẻ khỏe hơn người luôn lo lắng, buồn rầu. Để có suy nghĩ tích cực thì nên nhìn sự việc với sự thông cảm, sẻ chia.
Theo Tuổi trẻ Online