Các nhà sản xuất thức ăn gia súc cũng cần được đào đạo về tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh, ngăn chặn lạm dụng kháng sinh.
Hôm nay (21/12), Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống kháng thuốc phối hợp với Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đưa ra lời kêu gọi chung về cam kết mạnh mẽ hơn nữa từ các ngành cùng chung tay “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”.
WHO cảnh báo,Việt Nam là nước có tình trạngkháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Ảnh: KT
“Chúng tôi tiếp tục tiếp cận các ban ngành, càng nhiều càng tốt và sẽ kêu gọi họ tham gia vào các nỗ lực tập thể để chung tay ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh không đúng và lạm dụng kháng sinh. Các hoạt động nâng cao nhận thức và đặc thù nghề nghiệp của chúng tôi nhằm hướng đến các nhóm đối tượng khác khau, bao gồm cả cộng đồng dân chúng, vì lẽ chúng tôi nhận thấy rằng sự cần thiết cần phải có các cách tiếp cận khác nhau nhằm đảm bảo người dân hiểu được vấn đề và cam kết đóng góp thực hiện đúng”, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống kháng thuốc của Việt Nam cho biết.
Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020 tại Việt Nam tiếp tục được xem xét và các cuộc thảo luận về xây dựng kế hoạch hành động tiếp theo đang được trao đổi giữa lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với sự hỗ trợ của WHO, FAO và các đối tác khác làm về kháng thuốc Việt Nam.
“Chúng tôi đánh giá cao Việt Nam đã giữ được động lực trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc, kháng kháng sinh. Kết nối nhiều lĩnh vực, ban ngành, việc tiến tới đạt được một mục tiêu chung là không đơn giản bởi lẽ các ưu tiên của mỗi ngành là khác nhau, tuy nhiên, Việt Nam đã nỗ lực trong việc hài hòa những thách thức tương đối tốt. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy các ban ngành, các lĩnh vực cùng nhau nỗ lực để giữ kháng sinh có hiệu lực cho các thế hệ tương lai, và chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện hành trình này”, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam và Tiến sĩ Albert T. Lieberg, Trưởng Đại diện Văn phòng FAO tại Việt Nam, cùng đưa ra tuyên bố chung.
WHO hiện nay đang phối hợp với Bộ Y tế tăng cường triển khai hoạt động quản lý thuốc kháng sinh trong bệnh viện (AMS). AMS là cách tiếp cận có hệ thống và được phối hợp để tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh nhằm nâng cao tính hiệu quả cho người bệnh và giảm thiểu các hậu quả bất lợi, bao gồm kháng thuốc kháng sinh.
Từ tháng 11/2018, WHO và Bộ Y tế đã làm việc với một số bệnh viện trên khắp Việt Nam để hỗ trợ việc thực hiện chương trình AMS. WHO cũng sẽ hỗ trợ Bộ Y tế trong việc truyền thông thông điệp phù hợp ở tuyến cộng đồng, cơ sở.
“Chúng tôi tiếp tục công việc của mình trong việc nâng cao năng lực để quản lý kháng thuốc tại bệnh viện và các cơ sở y tế khác, chúng tôi cũng định hướng thâm nhập vào cộng đồng và “bình thường hóa” vai trò chủ đạo của từng cá nhân, từng nhóm đối tượng và các ngành nghề trong công cuộc phòng chống kháng thuốc”, Tiến sĩ Kidong Park chia sẻ thêm về các hoạt động ưu tiên của WHO về kháng thuốc tại Việt Nam trong năm tới.
Kháng sinh trong chăn nuôi ảnh hưởng trực tiếp người tiêu dùng
Cùng với sự tham gia của các cấp, các ngành bao gồm các bác sĩ, dược sĩ, bác sĩ thú y và những người nông dân, những người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp tại Việt Nam, sự kiện truyền thông phòng chống kháng thuốc tạo ra một điểm nhấn, nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống kháng thuốc (AMR) và khuyến khích mọi người tích cực tham gia vào các hành động hợp tác tập thể này.
“Sản xuất lương thực và sinh kế của người nông dân có thể bị thiệt hại do hiệu lực của kháng sinh không còn để điều trị các vật bị bệnh. Hơn nữa, sức khỏe của người nông dân có thể bị đe dọa khi tiếp xúc với vật nuôi mang vi khuẩn kháng thuốc. Do vậy, FAO kêu gọi các hành động mạnh mẽ hơn từ chính quyền các cấp, tỉnh thành và Trung ương, từ các đối tác phát triển và cộng đồng nhằm giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh không cần thiết và giảm tối đa các mối đe dọa về kháng thuốc”, Tiến sĩ Lieberg cũng nhấn mạnh.
80% dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi. Ảnh: KT
FAO đang làm việc với Bộ NN & PTNT nhằm cải thiện việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm với sức khỏe động vật. Thực tế, đã có không ít cảnh báo lượng tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng./.
Theo PV/VOV.VN