Vì trời lạnh, người phụ nữ 46 tuổi quyết định ngâm chân vào nước nóng để dễ ngủ hơn không ngờ lại tử vong ngay sau đó.
Vào mùa đông tỉ lệ người nhập viện cấp cứu do đột quỵ tăng lên so với bình thường. Theo báo cáo, vừa qua có một người phụ nữ 46 tuổi, tại Trung Quốc ngất xỉu tại nhà khi ngâm chân và qua đời ngay sau đó.
Cụ thể, bà Ninh bị mất ngủ do thời tiết quá lạnh, nên quyết định thử phương pháp ngâm chân vào nước nóng. Theo nhiều nguồn thông tin, việc ngâm chân giúp giấc ngủ sâu hơn vì bàn chân là nơi chứa nhiều huyệt vị và dây thần kinh quan trọng của cơ thể, khi ngâm chân sẽ giúp khí huyết lưu thông, làm ấm cơ thể.
Tuy nhiên điều không may đã xảy ra, vừa ngâm chân được khoảng 5 phút, bà bị ngất xỉu và ngã xuống nền nhà. Mặc dù được gia đình đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng bà Ninh vẫn không qua khỏi.
Ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ, người phụ nữ 46 tuổi tử vong
Theo chẩn đoán của bác sĩ, bà Ninh tử vong do phình và vỡ mạch máu não, nguyên nhân đến từ hành động ngâm chân ngay trước đó. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao ngâm chân được coi là phương pháp tốt cho sức khỏe lại gây hậu quả như vậy?
Để giải thích điều này bác sĩ cho biết, tuổi tác càng cao các thành mạch máu càng yếu. Khi thời tiết và cơ thể đang lạnh, đột nhiên nhúng chân vào nước nóng khiến cơ thể rơi vào tình trạng sốc nhiệt, máu lưu thông nhanh hơn, các mạch máu chịu áp lực lớn trong thời gian ngắn, dẫn đến phình và vỡ.
Không chỉ ngâm chân trong nước nóng, bác sĩ cũng khuyến cáo trong mùa đông bạn nên cẩn thận với những hành động gây thay đổi nhiệt độ bất ngờ như: tắm nước nóng, gội đầu, xông hơi,...
Phình mạch máu não này là gì và nó nguy hiểm như thế nào?
Bệnh phình mạch máu não thực chất không phải là bệnh lý liên quan đến tắc nghẽn mạch máu não như chúng ta hay nghĩ mà là mạch máu phình to trong não trông giống như một khối u nhỏ.
Thông thường, túi phình mạch thường vỡ ở vị trí động mạch não giữa hoặc màng não, gây xuất huyết não và dẫn đến đột quỵ, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Mặc dù không phải tất cả các túi phình đều sẽ vỡ tuy nhiên càng để lâu kích thường túi phình càng lớn, tỷ lệ vỡ sẽ càng cao.
Những người dễ bị bệnh
Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ phình mạch não khoảng 5% dân số, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, riêng vỡ phình mạch hay gặp nhất ở lứa tuổi 50 - 60, nữ có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn nam.
Hiện nay, người ta thấy rằng sự hình thành túi phình là một quá trình thoái hóa mạch não, trong đó có các yếu tố liên quan đến bệnh như: làm việc cường độ cao kéo dài, thức khuya kéo dài, tuổi cao, hút thuốc lá, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, sốc nhiệt, nghiện rượu,...
Các dấu hiệu của phình mạch máu não
Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh túi phình mạch máu não, các triệu chứng của từng giai đoạn khá khác nhau:
- Túi phình vỡ:
Đột ngột đau đầu dữ dội là triệu chứng quan trọng nhất. Tình trạng này thường được mô tả như là “đau đầu kinh khủng nhất” mà bệnh nhân phải chịu đựng.
Ngoài ra còn các hiện tượng: buồn nôn và nôn, cổ cứng, thị lực giảm, nhạy cảm với ánh sáng, co giật, mất ý thức...
- Túi phình rò rỉ:
Trong một số trường hợp, túi phình có thể bị rò rỉ một lượng nhỏ máu nên chỉ có thể gây ra đột ngột đau đầu dữ dội.
- Túi phình chưa vỡ:
Túi phình chưa vỡ nếu có kích thước nhỏ có thể sẽ không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, túi phình chưa vỡ có kích thước lớn có thể đè ép vào các mô não và dây thần kinh gây ra: đau ở trên và phía sau mắt, giãn đồng tử, thị lực giảm, tê, yếu hoặc liệt một bên mặt, sụp mí...
Cách phòng bệnh phình mạch máu não:
Duy trì lối sống khoa học để giảm nguy cơ phình mạch máu não
- Luôn giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh.
- Có thói quen sinh hoạt lành mạnh.
- Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn.
- Hạn chế rượu bia và thuốc lá.
- Thường xuyên vận động, rèn luyện sức khỏe.
- Khám sức khỏe định kỳ đều đặn.
An An/Vietnamnet (Dịch theo Sohu)