Tổ chức Ung thư toàn cầu ghi nhận Việt Nam có hơn 164.000 ca ung thư mới trong năm 2018, tăng 31% so với năm 2012.
Nói chuyện tại hội nghị thường niên về ung bướu ngày 6/12, tiến sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết các phương pháp chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa ung thư ngày càng tiến bộ, song bệnh vẫn là gánh nặng trên toàn cầu. Tỷ lệ mắc mới ung thư và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng.
Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ước tính năm 2018 thế giới có 18,1 triệu ca mới và 9,6 triệu ca tử vong. Năm 2012, thế giới ghi nhận 14 triệu ca mới và 8,2 triệu trường hợp tử vong. Dự đoán năm 2025 tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó bệnh nhân phần lớn ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, ung thư cũng là bệnh lý đang tăng cao. GLOBOCAN ước tính năm 2018 Việt Nam có 164.000 ca mắc mới và hơn 114.000 người tử vong, tương đương mỗi ngày hơn 450 người mắc mới và hơn 312 người tử vong. Năm 2012 Việt Nam phát hiện khoảng 125.000 ca ung thư mới và hơn 94.000 người tử vong. Như vậy trong vòng 6 năm, số bệnh nhân ung thư phát hiện mới mỗi năm tăng 31%.
Bệnh nhân khám tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Ảnh: Lê Phương.
Theo bác sĩ Dũng, số bệnh nhân bị ung thư gan đã vượt qua số ung thư phổi, trở thành bệnh ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam. Khảo sát tại TP HCM cho thấy số bệnh nhân ung thư tăng mỗi năm khoảng 9%, từ 6.800 ca mới năm 2010 tăng lên 9.000 ca năm 2015.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, số bệnh nhân điều trị hàng năm tăng khoảng 10%. Từ tháng 11/2017 đến 11/2018 viện điều trị khoảng 30.000 bệnh nhân mới, chiếm gần 70% trường hợp khám tại viện.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khuyến cáo, từ tuổi 40 trở lên ở cả hai giới nam nữ có sự gia tăng tỷ lệ ung thư nên cần tầm soát. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp giúp bệnh nhân có thể khỏi bệnh, sống khỏe mạnh lâu dài.
Tỷ lệ các loại ung thư mới phát hiện năm 2018 tại Việt Nam ở cả 2 giới. Ảnh: GLOBOCAN.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư là béo phì, đái tháo đường, nhiễm trùng mãn tính siêu vi viêm gan B hoặc C, siêu vi lây truyền qua đường tình dục như HIV, HPV... Hút thuốc lá, tiêu thụ quá mức rượu bia, chế độ ăn uống kém lành mạnh, lối sống ít vận động, các chất sinh ung trong môi trường cũng khiến tỷ lệ bệnh tăng cao.
Dự kiến năm 2019, cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP HCM tại quận 9 với 1.000 giường bệnh sẽ hoàn thành và hoạt động giảm tải cho viện hiện nay. Bệnh viện ung bướu mới trang thiết bị hiện đại, giúp tăng cường hỗ trợ chẩn đoán và nâng cao kết quả điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.
Theo Lê Phương/VnExpress