Ngày 6/12, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định xử phạt số tiền gần 130 triệu đồng với 4 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong đó, cả 4 cơ sở đều có sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng vi phạm về an toàn thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, căn cứ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Cục An toàn thực phẩm tổng hợp kết quả thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính từ ngày 17/11/2018 đến 02/12/2018.
Theo đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 129.827.950 đồng. Cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các cơ sở thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz (Số 4 Trương Quốc Dung, P. 8, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) bị phạt số tiền lên tới 50 triệu đồng do có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy trên các website: https://tritieuduongtuyp2.net và https://lotuzz.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy gây hiểu lầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz bị phạt tới 50 triệu đồng.
Công ty TNHH Dược phẩm Trung Hàn (Số 94B, tổ 14, Phường Thanh Lương, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có hành vi sản xuất 01 lô sản phẩm thực phẩm chức năng Siro Highpro, số lô: 010216; NSX: 180216; HSD: 180219 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Ngoài ra, công ty này cũng bán 01 lô sản phẩm thực phẩm chức năng Siro Highpro, số lô: 010216; NSX: 180216; HSD: 180219 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Theo thống kê, tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ: 220.000 đồng; Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với 01 lô sản phẩm thực phẩm chức năng Siro Highpro, số lô: 010216; NSX: 180216; HSD: 180219. Tổng hợp các hành vi vi phạm, công ty này bị phạt số tiền hơn 35 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Dược phẩm Liên doanh Việt Pháp (Số 78D5 Khu đô thị Đại Kim – Định Công, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã bán 01 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ginkgo 600, số lô: 030517; NSX: 040517; HSD: 040520 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng bị phạt số tiền gần 4 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế USA (61A1 Khu đô thị Đại Kim, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã sản xuất 01 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ginkgo 600, số lô: 030517; NSX: 040517; HSD: 040520 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, bị phạt 40 triệu đồng.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về ATTP, chiếm 19,2%; Số vụ vi phạm đã xử lý là 24.603 cơ sở (chiếm 31,91%), trong đó phạt tiền 21.613 cơ sở với số tiền phạt hơn 42 tỷ 400 triệu đồng.
Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, đình chỉ lưu hành sản phẩm đối với 195 cơ sở, yêu cầu 485 cơ sở có nhãn phải khắc phục, 3.926 cơ sở buộc phải tiêu hủy sản phẩm, tiêu hủy 3.821 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng ATTP.
Hầu hết các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra như vi phạm ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm thổi phồng gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, thực phẩm không đảm bảo chất lượng điều kiện vệ sinh cơ sở, không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thông tin thêm, trên thực tế, số vụ vi phạm về ATTP ngày càng tăng và tinh vi hơn trong thời gian gần đây. Để "bắt" được các vi phạm này, cán bộ thanh tra, cán bộ Cục an toàn thực phẩm nhiều khi phải thâm nhập, giả làm người mua hàng, nhờ tư vấn... để phát hiện các hành vi nguy cơ.
Từ ngày 20/10/2018, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành có những quy định các mức xử phạt cao hơn so với Nghị định cũ, hi vọng sẽ có tác dụng răn đe tốt hơn để các công ty kinh doanh tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo nghị định mới, đáng chú ý là hình thức xử phạt tiền tăng tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Ngoài ra, nghị định mới bổ sung nhiều hành vi bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Theo Hồng Hải/Dân trí