Trẻ "đặc biệt" sẽ được đánh giá, sàng lọc một cách khoa học theo các thang đo cụ thể. Và tất cả trẻ em đều được yêu thương, quan tâm, chăm sóc theo cách riêng mà mỗi đứa trẻ xứng đáng được hưởng.
Theo thạc sĩ tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ, một đứa trẻ có "đặc biệt" hay không phải dựa vào chẩn đoán của bệnh viện. Gia đình và nhà trường sẽ dựa vào kết quả đánh giá của bệnh viện để có những hành xử và thái độ giao tiếp với trẻ phù hợp.
Hiện nay, để đánh giá trẻ bị chứng tự kỷ chậm phát triển trí tuệ, các chuyên gia sẽ dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán tự kỷ tổng hợp (ASD) trong DSM-5 (sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hội tâm thần học Hoa Kỳ).
Đánh giá theo tiêu chuẩn DSM-5
Theo DSM-5, chẩn đoán một trẻ bị chứng tự kỷ tổng hợp phải thỏa mãn những tiêu chuẩn được quy định trong 4 nhóm A, B, C, D:
Nhóm A: Khi trẻ hội đủ tất cả 3 tiêu chuẩn: không biết rung động, không thể hiện tình cảm, sở thích của mình với người khác, không thể bắt chuyện, nhập chuyện, cách đối đáp rất khác thường. Trẻ gặp khó khăn khi bày tỏ bằng lời hoặc không bằng lời, trẻ không thể giao tiếp hoặc diễn đạt bằng điệu bộ hay nét mặt. Trẻ không có hứng thú sinh hoạt nhóm, không có khả năng chơi với bạn, không thể thay đổi hành vi theo yêu cầu của mọi người trong những nơi chốn khác nhau, ngoại trừ người chăm sóc trực tiếp.
Nhóm B: Nếu trẻ có đủ tối thiểu 2 trong 4 tiêu chuẩn: Trẻ nói lặp lại. Trẻ rập khuôn khi sử dụng vật dụng hoặc các hoạt động tay chân khác. Giữ nếp sinh hoạt, trẻ có biểu hiện chống đối lại những thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Trẻ bị cuốn hút vào những sở thích riêng của mình. Trẻ sẽ có những phản ứng mạnh hay thiếu phản ứng đối với những tác động thuộc về giác quan như khi té đến gãy tay trẻ vẫn không có biểu hiện đau đớn hoặc nhạy cảm đối với âm thanh hay một hành động của một vật thể nào đó lặp đi lặp lại như cánh quạt quay…
Nhóm C: Những khiếm khuyết hay những triệu chứng trên phải biểu hiện lúc trẻ còn nhỏ tuổi nhưng có thể chưa lộ rõ cho đến khi sự đòi hỏi của xã hội vượt xa so với khả năng hạn chế của trẻ.
Nhóm D: Những triệu chứng nêu trên có ảnh hưởng đối nghịch và hạn chế khả năng sinh hoạt hằng ngày của trẻ.
Những chuyên gia chẩn bệnh cần nêu rõ trẻ ASD có bị khuyết tật trí tuệ hay không; trẻ ASD có đi kèm với khiếm khuyết ngôn ngữ (language impairment) hay không; trẻ ASD cần sự chăm sóc về y tế, hoặc bệnh có tính di truyền hay do yếu tố môi trường gây nên; trẻ ASD có đi kèm với những bệnh tâm thần khác hay không, chẳng hạn chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), bệnh tâm thần phân liệt, bệnh rối loạn lưỡng cực.
Cần có kiến thức về giáo dục đặc biệt để chăm sóc trẻ ASD
"Có nhiều trường hợp, người lớn nhìn những những biểu hiện, hành vi của trẻ thì ngộ nhận trẻ bị tăng động giảm chú ý mà không phân biệt được trẻ tự kỷ hay chỉ là hiếu động… Có những đứa trẻ ở nhà rất quậy phá nhưng ở trường thì không, hoặc ngược lại. Trẻ không nhận thức được hành vi mà hành động trong mọi môi trường là như nhau thì mới đánh giá trẻ có mắc một trong các chứng "đặc biệt" nào hay không"- thạc sĩ tâm lý Minh Huệ cho biết.
Bà cũng cho biết nếu là một đứa trẻ tăng động giảm chú ý thì sẽ giảm dần theo thời gian, có thể đến năm trẻ 18 tuổi thì hết hẳn. Nhưng với trẻ tự kỷ tăng động thì sẽ không hết.
"Vậy nên, trẻ cần được sàng lọc, đánh giá bằng thang đo, tiêu chuẩn cụ thể để kết luận trẻ ở mức nào để được chăm sóc phù hợp. Trong trường hợp trẻ bị ASD thì người chăm sóc trực tiếp, có thể là bố mẹ, ông bà hay cô giáo cần được học các kiến thức về giáo dục đặc biệt để có thể chăm sóc cho trẻ phù hợp, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập hoặc tự lo cho bản thân mình…"- bà Huệ nói.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có một tố chất riêng biệt, sự "đặc biệt" sẽ tạo nên sự khác biệt. "Hầu hết những đứa trẻ hiếu động có khả năng tìm tòi, sáng tạo rất cao. Nên khả năng thành công trong tương lai của nhóm trẻ này rất lớn. Quan trọng, chúng được yêu thương và nuôi dưỡng trong môi trường thích hợp. Với những đứa trẻ "đặc biệt", chúng cũng rất đáng yêu theo một cách riêng và cũng cần được yêu thương để được phát hiện sớm các biểu hiện, thúc đẩy sự tiến bộ nhanh chóng"- theo bà Huệ chia sẻ.
Theo DSM-5, có 3 bậc thang hỗ trợ cho trẻ ASD: được hỗ trợ tối đa, đòi hỏi sự hỗ trợ tích cực, đòi hỏi sự hỗ trợ cần thiết.
Theo Diệu Nguyễn/Tuổi trẻ Online