Ông Hoàng Văn Sơn 41 tuổi nhập viện Đa khoa Phú Thọ do đau cột sống cổ, yếu tứ chi, không đi lại được, mất cảm giác.
Năm 2013, ông Sơn bị tai nạn lao động phải cắt cụt cẳng tay phải. Hai năm sau ông ngã, bị đau vùng cột sống cổ, tê bì tứ chi. Bệnh nhân không đi khám mà nhờ thầy lang châm cứu, đắp thuốc nam. Gần đây các chức năng sinh hoạt giảm sút, ông Sơn đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khám và điều trị.
Kết quả chụp cộng hưởng cho thấy bệnh nhân bị mất vững đốt sống cổ C1- C2 do gãy mỏm nha, bị chèn ép tủy sống ngang mức đốt sống C1, C2. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp khá phức tạp bởi tổn thương đã kéo dài nhiều năm, nặng, nguy cơ khó hồi phục.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh quyết định phẫu thuật để nắn chỉnh trượt, làm vững cột sống và giải phóng chèn ép thần kinh cho bệnh nhân.
Hình ảnh chụp CT trước khi mổ. Ảnh: BVCC
Kíp mổ sử dụng kỹ thuật Harms để bắt vít qua đốt sống bệnh nhân. Đây là kỹ thuật khó đòi hỏi phải có phương tiện hiện đại hỗ trợ như máy chụp X-quang, kính vi phẫu thuật, rất ít bệnh viện tuyến tỉnh triển khai được. Mặt khác, giải phẫu vùng liên quan các cấu trúc phức tạp như động mạch đốt sống, tủy sống và rễ thần kinh, nguy cơ nhiều rủi ro.
May mắn 15 ngày sau mổ, bệnh nhân liền sẹo, vận động tứ chi được cải thiện. Hiện người bệnh đã tự ngồi dậy và giao tiếp.
Bác sĩ kiểm tra cử động cho bệnh nhân trước khi ra viện. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ khuyến cáo chấn thương cột sống cổ rất hiếm gặp, do đó rất dễ bị bỏ sót tổn thương nếu bệnh nhân không đi khám. Khi bị ngã, nếu có biểu hiện như đau cổ, hạn chế vận động, tê bì tay chân, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
Theo Thúy Quỳnh/VnExpress