Tại Việt Nam, có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết
Đây là báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về tình hình sức khỏe tâm thần của trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam được đưa ra ở hội thảo "Ma túy và sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên" vừa được tổ chức tại TP HCM.
Nguy cơ tự sát do trầm cảm
Theo Tổ chức Y tế thế giới, một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến thứ 3 trong thanh thiếu niên. Theo đó, tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong nhóm tuổi từ 15 đến 29.
Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của UNICEF về tình hình sức khỏe tâm thần trong trẻ em và thanh thiếu niên độ tuổi 14-18 thì tỉ lệ trung bình mắc các rối loạn tâm thần của nhóm này là 12%. Những biểu hiện phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu, cô đơn và tăng động giảm chú ý.
Bà Nguyễn Thùy Linh, quản lý chương trình Trẻ em và Thanh niên Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI), cho biết qua khảo sát thực tế trên mạng xã hội với 230 thanh thiếu niên có độ tuổi 15-24, có đến 3/4 người cho biết đã từng sử dụng chất kích thích, gây nghiện; phổ biến nhất là rượu (chiếm 73,3%), bóng cười (41,2%), cần sa (40,6%), ma túy đá (31,6%)… Ngoài việc bị bạn bè lôi kéo, phần lớn họ tự tìm đến các chất trên để trải nghiệm vì thích cảm giác; giải tỏa stress, căng thẳng; để thoát khỏi nỗi buồn…
Bữa tiệc sinh nhật bằng ma túy được hàng chục nam, nữ thanh niên tổ chức tại một biệt thự ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận bị công an phát hiện. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)
Bệnh tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14
Những năm đầu của tuổi trưởng thành là khoảng thời gian diễn ra nhiều thay đổi, như chuyển trường, sống xa gia đình, bắt đầu học đại học hoặc một công việc mới. Với nhiều người, có thể là thời điểm dồn dập những lo âu và căng thẳng.
Trong một số trường hợp, những căng thẳng đó không được nhận biết và xử trí kịp thời, bên cạnh đó là việc kết nối công nghệ liên tục "ngày và đêm" làm giới trẻ dễ tổn thương trước các căng thẳng tâm trí và mắc những bệnh về sức khỏe tâm thần. Một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14
ThS-BS Nguyễn Song Chí Trung, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết ma túy là chất kích thích khi sử dụng sẽ làm tâm thần biến đổi như tri giác, ý thức, sự tỉnh táo hoặc suy nghĩ thay đổi. Lạm dụng và nghiện ma túy chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: khiếm khuyết bẩm sinh trong hệ thần kinh như gien, căng thẳng, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, sang chấn tâm lý; rối loạn tâm thần.
Trong đó, rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng về nhận thức, điều hòa cảm xúc hay hành vi của một người; gây ra đau khổ hay mất khả năng trong công việc và hoạt động xã hội quan trọng khác.
BS Trung cũng nhấn mạnh lâu nay, mọi người hay ngộ nhận rằng một người mạnh mẽ, có đạo đức, nhân cách tốt không bị sức khỏe tâm thần hoặc lạm dụng ma túy; đánh đồng những người thất nghiệp, hư hỏng, học hành kém… thường dễ bị cám dỗ, sa ngã, nghiện ngập… Suy nghĩ áp đặt trên hoàn toàn sai lầm. Do vậy, đừng kỳ thị những người bị sức khỏe tâm thần cũng như sử dụng ma túy; hãy đón nhận, quan tâm để họ sớm trở về với cộng đồng.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của lạm dụng ma túy và rối loạn tâm thần. Vì vậy phải tạo được mối quan hệ chân thành, không gian an toàn để thanh thiếu niên có thể tin tưởng chia sẻ các vấn đề của mình. Việc tham gia điều trị chỉ là một phần trong toàn bộ quá trình hồi phục của người nghiện ma túy hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Người nghiện cần sự đồng hành lâu dài của gia đình, bạn bè và cộng đồng.
Kỳ thị - rào cản nghiêm trọng
Có đến gần 60% thanh thiếu niên sử dụng ma túy tự kỳ thị và căm ghét bản thân dựa trên phản ứng của mọi người xung quanh, hơn 40% trong số họ thường xuyên cảm thấy cô đơn và có ý định tự tử.
Kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và tiếp cận hỗ trợ của các thanh thiếu niên sử dụng ma túy. Họ lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình sử dụng ma túy và cảm thấy cần thiết phải giấu tình trạng sử dụng ma túy của bản thân. Các tin tức và hình ảnh tiêu cực về người sử dụng ma túy trên truyền thông gắn với tình trạng "ngáo đá", gây rối trật tự công cộng, phạm pháp, giết người... cũng là những định kiến có tác động không nhỏ tới nhóm này.
Theo Trịnh Thiệp/Người lao động