Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhận thức đúng về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng đã tăng từ 38,3 (năm 2006) lên 83,8% (năm 2014) và hướng đến tỷ lệ 90% vào năm 2020.
Người dân tẩy chay, thực phẩm bẩn không còn “đất sống”
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, thời gian qua, bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác thanh kiểm tra, phát hiện, xử phạt thực phẩm bẩn, thì nhận thức của người dân tăng lên về vấn đề an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa các mối nguy về mất an toàn thực phẩm.
“Trước đây khoảng 5 – 6 năm, giò chả có hàn the, hạt dưa nhuộm phẩm màu bày bán tràn ngập do tiêu thụ tốt. Thì nay, hạt dưa đỏ (có màu đỏ rực rỡ, bóng) gần như biến mất hoàn toàn khỏi thị trường, bởi qua tuyên truyền người dân ý thức được hạt dưa nhuộm phẩm màu công nghiệp độc hại nên không sử dụng. Giò chả cũng vậy, qua công tác thanh kiểm tra, tỉ lệ giò chả phát hiện hàn the còn rất ít”, ông Phong nói.
Chị Hải Tú (Giảng Võ, Hà Nội) chia sẻ, trước đây chị khá xuề xòa những lúc mua đồ ăn chín ở ngoài, người bán hàng dùng tay không lấy thực phẩm chín chị cũng tặc lưỡi. Nhưng một lần chị đã chịu hậu quả từ sự xuề xòa đó, ăn bánh mì bate về 30 phút thì đau bụng, phải đi nhập viện truyền nước. Từ đó chị “chai mặt”, luôn yêu cầu chủ hàng sử dụng găng tay ni lon sạch khi lấy thực phẩm cho mình.
“Tôi luôn nhìn chăm chăm suốt quá trình hoàn thành thực phẩm, và nhắc “dùng găng tay giúp em nhé”, chủ hàng đều vui vẻ thực hiện. Trong khi có những người không yêu cầu, đôi khi họ lười dùng, hoặc quên mất. Tôi nghĩ việc tự bảo vệ mình là trước tiên, mình có quyền được yêu cầu đảm bảo vệ sinh nhất khi sử dụng thực phẩm”,chị Hải Tú chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đánh giá, việc người tiêu dùng có ý thức, yêu cầu cao về vệ sinh thực phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tác động tới người cung cấp thực phẩm.
Song song với việc triển khai các biện pháp quản lý, giám sát ATTP, việc tuyên truyền để người dân nhận thức, nói không với thực phẩm bẩn cũng vô cùng quan trọng. Người dân cần kiên quyết tẩy chay, không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không vì ham rẻ mua hàng, yêu cầu người bán hàng đảm bảo an toàn thực phẩm.. dần thực phẩm bẩn sẽ không còn "đất sống".
Lựa chọn hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm như thế nào?
Ông Phong cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp uy tín lựa chọn phát triển nền văn hóa an toàn thực phẩm đặt người tiêu dùng ở vị trí trung tâm, đặc biệt là việc hình thành các vùng nguyên liệu sạch, chế biến thực phẩm an toàn đã được các cơ quan thẩm định chứng nhận thực hành tốt. Tuy nhiên vẫn còn không ít doanh nghiệp làm ăn chộp giật, cung cấp, bán các mặt hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm vì lợi nhuận.
Trong khi đó, Luật An toàn thực phẩm cũng như các văn bản hướng dẫn luật đã cho biết rất rõ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về tính an toàn và bảo đảm chất lượng sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường. Quyền của người dân là được tiếp cận và được sử dụng thực phẩm an toàn.
Vì thế, bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần trang bị cho mình kiến thức cần thiết để tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng. Cơ quan chức năng cũng khuyến khích người tiêu dùng chủ động tố cáo khi phát hiện các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, giúp cơ quan chức năng quan sát, bao quát, phát hiện sớm các sai phạm để kịp thời ngăn chặn.
Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng dứt khoát không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải có trách nhiệm quan trọng, đó là sử dụng sản phẩm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, như cơ sở được chứng nhận sản xuất rau an toàn là những cơ sở đáng tin cậy. Các sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn, được bày bán ở nơi đảm bảo vệ sinh như thực phẩm bao gói sẵn cũng đáng tin cậy; thịt gia cầm, gia súc có nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch là đáng tin cậy.
Tuy nhiên những rủi ro do sử dụng sản phẩm thực phẩm là khó tránh. Như ngay tại các nước phát triển, các sản phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước cho phép lưu hành nhưng trong quá trình sản xuất, lưu thông, bảo quản, thậm chí kể cả quá trình lưu trữ ở gia đình trước khi sử dụng không bảo quản tốt có nguy cơ không an toàn cho người sử dụng.
Vì thế, để đạt được mong muốn giảm đến mức thấp nhất nguy cơ rủi ro sử dụng sản phẩm không an toàn cần phải có sự cộng đồng của cả cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Theo Dân trí