Bà Nguyễn Thị Hoa (Ninh Bình) là người đầu tiên hiến giác mạc ở Việt Nam vào năm 2007, từ đó nhiều người tham gia hiến tặng giác mạc.
Sáng 18/10, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với UBND huyện Kim Sơn (Ninh Bình) tổ chức Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc năm 2018. Dịp này 29 gia đình có người hiến tặng giác mạc được tôn vinh. 7 cá nhân xuất sắc trong phong trào vận động hiến tặng giác mạc được khen thưởng.
Ông Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết Ninh Bình là địa phương lan rộng phong trào hiến tặng giác mạc. Kể từ 4/2007, cụ bà Nguyễn Thị Hoa, ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của cụ đã trở thành tấm gương thúc đẩy phong trào hiến tặng giác mạc trong vùng.
Từ năm 2007 đến nay, cả tỉnh Ninh Bình có 289 người hiến giác mạc, đặc biệt huyện Kim Sơn đến 279 người hiến. Bên cạnh đó, phong trào hiến tặng giác mạc trong huyện Kim Sơn đã hình thành một mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên vận động, tuyên truyền về hiến tặng giác mạc.
Từ Ninh Bình, sau đó phong trào hiến tặng giác mạc lan rộng đến địa phương khác như Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh. Hơn 10 năm qua (2007-2018), cả nước có trên 35.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó 494 người tặng giác mạc sau khi qua đời ở 15 tỉnh thành. Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân mù do các bệnh lý giác mạc giúp họ tìm lại được ánh sáng.
Một người hiến giác mạc có thể mang lại ánh sáng cho hai người mù
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc.
Ước tính, Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng.
Kỹ thuật ghép giác mạc ở Việt Nam hiện nay phát triển nhưng lượng giác mạc hiến tặng rất ít so với nhu cầu. Hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.
Năm 2006, Luật Hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người, hiến và lấy xác được Quốc hội thông qua. Tháng 5/2009, Ngân hàng Mắt đầu tiên ở Việt Nam hoạt động, tuyên truyền và vận động hiến tặng giác mạc. Ngân hàng Mắt còn là nơi thu nhận, đánh giá, bảo quản, điều phối giác mạc...
Giác mạc là màng mỏng trong suốt che chắn trước nhãn cầu (tương đương với phần lòng đen của con mắt), cho phép ánh sáng, hình ảnh đi qua để hội tụ trên đáy mắt và từ đó truyền lên não bộ. Giác mạc chỉ được lấy từ người hiến tặng sau khi qua đời trong vòng 48 tiếng. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành trong vòng vài phút, không ảnh hưởng đến hình dạng đôi mắt người hiến cũng như việc tổ chức tang lễ cho người quá cố.
Giác mạc sau khi thu nhận được bảo quản tại Ngân hàng Mắt và sau đó ghép cho người mù do bệnh lý giác mạc. Một người hiến giác mạc có thể mang lại ánh sáng cho hai người mù.
Theo Lê Nga/Dân trí