15 trẻ dương tính với virus sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hầu hết chưa tiêm ngừa vắcxin.
Từ ngày 6/8 đến 30/8, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) tiếp nhận 25 bệnh nhi sốt phát ban nghi do sởi. Kết quả xét nghiệm xác định 15 trường hợp dương tính, trong đó có một bé sống ở TP HCM, còn lại rải rác các tỉnh miền Nam. 8 trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến thời điểm tiêm vắcxin sởi. Những bệnh nhi còn lại đều chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ vắcxin sởi.
Bệnh viện Nhi đồng 1 tuần qua cũng ghi nhận 3 trẻ dưới 9 tháng tuổi bị sởi nhập viện, nguồn lây có thể là từ bố mẹ mắc bệnh.
Bệnh sởi đang có khuynh hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước châu Âu. Tại Việt Nam, bệnh sởi đang gia tăng ở các tỉnh phía Bắc. Trong bối cảnh giao thương đi lại thuận lợi, rất dễ lây lan bệnh giữa các vùng miền.
Trẻ mắc sởi điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.Q.
Trước tình hình bệnh sởi có dấu hiệu bùng phát, Sở Y tế TP HCM khẩn trương triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh sởi trong bệnh viện và trong cộng đồng. Các bệnh viện tổ chức cách ly, vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa lây nhiễm chéo và tổ chức phân luồng cho trẻ đến khám bệnh có biểu hiện nghi ngờ. Xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, không để bùng phát và lan rộng. Cơ sở tiêm chủng cần tư vấn đầy đủ cho trẻ tiêm đủ vắcxin sởi đúng lịch.
Khuyến cáo gia đình có trẻ dưới 5 tuổi:
Đưa trẻ tiêm chủng vắcxin phòng bệnh sởi, phải đảm bảo bé được tiêm mũi vắcxin phòng ngừa sởi khi tròn 9 tháng tuổi. Mũi vắcxin sởi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng.
Nếu trẻ trên 9 tháng mà vẫn chưa được tiêm vắcxin sởi mũi một hoặc trên 18 tháng chưa tiêm vắcxin sởi mũi 2, bố mẹ đưa trẻ ra trạm y tế phường để được khám, tư vấn tiêm bù càng sớm càng tốt.
Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hay phát ban.
Cha mẹ và người thân trong gia đình phải thực hiện rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ. Tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
Nếu trẻ sốt hoặc phát ban cần đưa đi khám tại cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Dấu hiệu bệnh là sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Khi bị sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ gặp các biến chứng. Dấu hiệu điển hình của giai đoạn toàn phát bao gồm nổi ban sẩn, mịn như nhung. Ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân và biến mất theo thứ tự đã mọc. |
Theo VnExpress