Phở bò tái, lẩu bò tái và các món tái từ thịt bò không còn xa lạ nhưng hãy coi chừng hiểm họa sán giải bò, sán lá gan "đục khoét" nội tạng người ăn.
Ăn thịt bò khi mới chín tái là cách ăn phổ biến của hầu hết người dân Việt Nam vì cho rằng khi chín tái thịt bò sẽ ngon, ngọt và mềm hơn so với thịt bò chín kỹ. Do đó, món phở bò tái, bún riêu cua, thịt bò tái, lẩu bò tái, bò xào tái lăn... là món ăn ưa thích của đa số người dân. Món ăn đã trở thành phố biến đến nỗi, nhiều cha mẹ cho cả các cháu bé ăn mà không hề kiêng rè.
Nhiễm sán dải bò, sán lá gan vì ăn thịt bò tái
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi trung ương từng ghi nhận trường hợp bé gái nhiễm rất nhiều sán lá gan sau khi ăn thịt bò tái 1 tuần. Bé Phàng Thị Cháu 4 tuổi, dân tộc Mông ở Sơn La, được bệnh viện địa phương chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng khó thở, nôn liên tục.
Siêu âm tim phát hiện tràn dịch màng tim mức độ nặng, dẫn tới chèn ép tim, gây khó thở. Trước đó hai tuần, gia đình đã cho cháu ăn thịt bò tái. Một tuần sau, bé xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu, đau bụng và chướng bụng.
Các bác sỹ phát hiện dịch màng tim của cháu có màu vàng, lẫn nhiều sợi trắng và mảnh, nhìn như đốt sán. Kết hợp với dấu hiệu bạch cầu ưa axit trong dịch màng tim tăng cao, các bác sĩ nghi ngờ cháu bé bị nhiễm ký sinh trùng. Kết quả xét nghiệm dịch màng ngoài tim cho thấy bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn.
Trước đó, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, chuyên gia về bệnh ký sinh trùng cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm sán rất nguy hiểm do thói quen ăn thịt bò tái của bệnh nhân. Điển hình là trường hợp của chị Đặng Thị Thơm, 35 tuổi, một công chức, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Chị Thơm đến khám, cho biết sáng sớm ngủ dậy thấy đáy quần lót có những vật thể nang màu trắng đục. Kiểm tra trên giường chị Thơm cũng thấy những dốt sán như trên rải rác…
Dịch màng tim của cháu Bé được hút ra với vô vàn đốt sán lá gan
Theo bác sĩ Siêu, chị Thơm vô cùng hoảng sợ, cho biết đã từng đến tiệm thuốc Tây, miêu tả bệnh, được hướng dẫn mua thuốc tẩy giun về uống nhưng không khỏi. Kết quả sau khi thăm khám cho thấy, chị Thơm đã bị nhiễm sán dải bò. Sán dải bò có tên khoa học là Taenia saginata - một loại ký sinh trùng hình dáng dài, dẹt, nang sán nằm trong thớ thịt bò.
Nguyên nhân chị Thơm bị nhiễm sán dải bò được xác định do thường ăn phở bò tái mỗi bữa sáng. Sán dải bò nằm trong miếng thịt bò tái vẫn chưa chết, theo đường ăn uống thâm nhập vào cơ thể.
Những đoạn màu trắng đục, dẹp mà chị Thơm thấy ở quần lót và trên giường chính là nang chứa hàng trăm ngàn trứng của sán dải bò rơi ra từ hậu môn. Khi xâm nhập vào cơ thể người, sán dải bò hút chất dinh dưỡng để sống. Người nhiễm phải chúng thường xanh xao, suy dinh dưỡng, uể oải. Sau khi ăn phải thịt bò có sán dải bò khoảng 3 tuần nạn nhân sẽ thấy các triệu chứng như trường hợp của chị Đặng Thị Thơm.
Bệnh nhiễm sán dải bò không khó chữa nhưng dễ tái phát bởi trứng của chúng từ người nhiễm, vương vãi khắp chăn, màn, chiếu, gối, bàn ghế…
Điều đặc biệt là trường hợp bị nhiễm sán dải bò như chị Thơm không hề hiếm. Trong thời gian còn làm việc tại khoa khám bệnh - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, trung bình mỗi tuần bác sĩ Siêu gặp ít nhất từ 5 đến 6 bệnh nhân nhiễm sán dải bò bao gồm cả nam và nữ, đa phần là dân công chức. Nguyên nhân mắc bệnh có điểm chung là đều ăn thịt bò tái.
Cẩn thận khi ăn thịt bò tái
Thịt bò tái có tính chất mềm, thơm, ngọt nên được nhiều người thích ăn. So với thịt bò chín, tính bổ dưỡng của thịt bò tái không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, BS CKII Vũ Công Ánh - Phó trưởng khoa Nội Tiêu hoá, bệnh viện Nguyễn Trãi – TP.HCM khuyên rằng mọi người nên cẩn thận khi ăn thịt bò tái để tránh nhiễm bệnh. Quy trình chăn nuôi và giết mổ gia súc cũng như vận chuyển và bảo quản thịt ở nước ta chưa đảm bảo vệ sinh. Do vậy, dùng thịt bò sống hay tái có thể lây nhiễm một số bệnh như bệnh sán giải bò, sán lá gan.
Bệnh sán dải bò ký sinh trong ruột bò có tên khoa học là Taenie Saginata gây ra. Nang sán có trong thịt bò nấu không chín kỹ, khi vào ruột sẽ phóng thích cho ra ấu trùng sán, có thể thâm nhập qua thành ruột và đi khắp cơ thể, gây nên bệnh sán ở mô.
Bệnh sán lá gan thường ký sinh ở gan và đường mật của những động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê… Sán lá gan lớn là loại sán dài 3-4 cm. Khi nhóm động vật này thải phân ra ngoài, ấu trùng trứng sán lá gan sẽ phát triển ở ngoài không khí. Một số sống trong môi trường nước, bám vào các cây rau sống ở dưới nước như rau ngổ, rau muống, hoặc cũng có thể bám trên miếng thịt khi giết mổ không đúng vệ sinh. Khi vào ruột, sán lá gan xuyên qua thành ruột đến cư ngụ ở gan và gây bệnh. Do đó, khi ăn bún, phở thịt bò tái hay các món có thịt bò tái nên trụng thịt kỹ trong nước dùng thật sôi.
Bác sĩ Nguyễn Nhung, Chuyên khoa tiêu hóa cũng cho rằng, thịt bò tái có thể ngon, ngọt, mềm hơn thịt bò chín. Nhưng ăn thịt bò tái là thói quen xấu cần phải bỏ vì nguy cơ gây bệnh rất cao. Khi thịt chỉ được chần qua mà không được nấu chín sẽ tạo cơ hội cho những ký sinh trùng có trong thịt đi vào cơ thể và gây bệnh. Do đó, không chỉ thịt bò mà đối với tất cả các loại thực phẩm cần được rửa sạch, chọn kỹ, rõ nguồn gốc trước khi chế biến. Nên bỏ thói quen ăn thịt bò tái hoặc chưa nấu chín. Khám sức khỏe thường xuyên để biết được có nhiễm sán không giúp sớm có cách chữa trị.
Theo VietQ.vn