Bên cạnh việc ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm thì thói quen sinh hoạt, ăn uống tùy tiện đã khiến những bệnh về gan gia tăng. Vì vậy, các bác sĩ đã đưa ra lời cảnh báo hãy bảo vệ lá gan của mình để có một cơ thể khỏe mạnh.
Siêu âm ổ bụng để phát hiện ra bệnh lý về gan
Căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong
Điều tra về tình hình ung thư ở trên thế giới hàng năm, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra những cảnh báo nguy hiểm. Theo số liệu thống kê, ung thư gan đứng thứ 7 trong 10 bệnh ung thư phổ biến ở cả 2 giới với tỉ lệ mắc là 10,1% và tỉ lệ tử vong là 9,5%. Riêng tại Việt Nam, ung thư gan được đánh giá đứng hàng thứ 2 trong 10 bệnh ung thư phổ biến ở cả 2 giới chỉ sau ung thư phổi. Tỉ lệ mắc ung thư gan nói chung tại nước ta chiếm tới 24,6%, tỉ lệ tử vong chiếm 23,7%.
Gan là bộ phận nội tạng lớn nhất của cơ thể, đảm nhận hơn 500 chức năng khác nhau được ví như nhà máy lọc và tinh chế. Gan vừa có chức năng ngoại tiết và nội tiết vừa là kho dự trữ của nhiều chất vừa là trung tâm chuyển hóa quan trọng của cơ thể và có tính chất sinh mạng. Các nhà chuyên môn cũng dự báo đến năm 2025 tại Việt Nam, các bệnh lý về gan có thể khiến 25.000 người bị ung thư gan và 40.000 người tử vong. Gan là một cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa cơ thể. Khi có dấu hiệu suy giảm chức năng thì người bệnh sẽ ở trong tình trạng mệt mỏi chán ăn, suy kiệt, dễ nhiễm độc và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể.
Các chuyên gia đầu ngành đã thống kê có hơn 100 bệnh lý về gan. Các chuyên gia và bác sĩ y tế cho biết, các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan bao gồm: Người có virus viêm gan B, C, người có tiền sử uống rượu, người bị tiểu đường, thừa cân, phơi nhiễm với độc tố môi trường… Mỗi một bệnh lý lại có những biểu hiện khác nhau, nên thường gây khó khăn trong quá trình chuẩn đoán và điều trị bệnh. Trong đó có hai loại bệnh là men gan tăng cao và gan nhiễm mỡ là phổ biến và có diễn biến phức tạp.
Cần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe hợp lý
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng dân tộc, nguyên Trưởng Khoa Nội, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết: Men gan tăng cao và gan nhiễm mỡ là những triệu chứng lâm sàng thường gặp tại Việt Nam. Đối với trường hợp men gan tăng cao, các triệu chứng lâm sàng phải có thời gian mới biểu hiện ra ngoài. Nhiều trường hợp bệnh nhân có men gan tăng cao được phát hiện nhờ việc làm các xét nghiệm sức khỏe hàng năm. Các xét nghiệp sinh hóa có tác dụng rất lớn trong vấn đề chuẩn đoán bệnh men gan tăng cao. Có hai loại men thể hiện việc tăng của men gan đó là AST và ALT. Chỉ số tăng của hai men gan này biểu hiện cho mức độ của việc tăng men gan. Nếu hai men này tăng gấp 5 lần mức độ bình thường thì đó là triệu chứng tăng men gan ở mức độ nặng. Ngoài ra còn có những xét nghiệm khác nữa để phát hiện ra người có men gan tăng cao. Việc điều trị tăng men gan cũng có nhiều cách điều trị khác nhau trong đó có việc sử dụng các bài thuốc cổ truyền dân tộc cũng có hiệu quả.
Bác sĩ Nguyết Thị Tuyết Lan đã chỉ ra: Việc phát hiện ra gan nhiễm mỡ bằng cách siêu âm ổ bụng hoặc chụp CT cắt lớp ổ bụng, chụp cộng hưởng từ, sinh tiết gan… để biết chính xác nhất của mức độ gan nhiễm mỡ. Điều trị gan nhiễm mỡ thực ra chưa có cách điều trị đặc hiệu. Ở giai đoạn đầu bệnh này cũng không có biểu hiện rõ ràng về triệu chứng. Tuy nhiên, nếu để gan nhiễm mỡ trong thời gian dài thì không tốt. Chúng ta phải điều trị loại bỏ hoặc giảm thiểu những nguyên nhân gây nên gan nhiễm mỡ, hoặc điều trị những bệnh gây nên gan nhiễm mỡ.
Với những bệnh nhân thừa cân, béo phì thì phải giảm cân. Chúng ta phải giảm ăn các thức ăn có nhiều cholesteron như các nội tạng, da các con vật, các lòng đỏ của trứng, đồ chiên rán… Các đồ ăn cung cấp chất đạm cũng chỉ vừa phải. Tăng cường ăn các loại rau quả tươi cho người bị bệnh gan nhiễm mỡ như đậu hà lan, cà chua, ớt vàng, rau ngót… Đặc biệt, những người gan nhiễm mỡ phải ngừng uống rượu, phải luyện tập thể dục một cách khoa học. Việc khám sức khỏe định kỳ cũng cần được tiến hành thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị đạt kết quả tốt.
Theo Châu Anh/GD&TĐ