Lực hút quá mạnh đã khiến hạt trân châu "bay" thẳng vào cổ họng bé gái khiến em bị tắc đường thở, tử vong.
Mới đây, một bác sĩ của một trung tâm Y khoa lớn tại TP.HCM chia sẻ câu chuyện một nữ bác sĩ chuyên khoa hô hấp ở TP.HCM có con gái 11 tuổi tử vong vì hóc hạt trân châu trà sữa.
Sự việc xảy ra khi hai mẹ con cùng tự tay làm món trà sữa trân châu. Lúc uống trà sữa, khi thấy có hạt trân châu kẹt trong ống nên bé đã hút mạnh. Lúc này, hạt trân châu đã bay thẳng vào họng, làm tắc đường thở của bé.
Nhận thấy con gái bị nghẹn, không thể hít vào hay thở ra. Người mẹ đã cấp cứu cho con, kể cả dùng thủ thuật Heimlich, tuy nhiên tất cả đều vô tác dụng. Khi đưa tới bệnh viện, bé đã tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo các cửa hàng trà sữa trân châu không nên sử dụng loại ống hút to. Ảnh: Internet
Theo vị bác sĩ này, trà sữa trân châu không phải là nguyên nhân gây tai nạn. Tuy nhiên, việc sử dụng ống hút để hút mạnh các thức ăn có dạng hột làm bằng bột dẻo dễ dẫn tới tai nạn khi thức ăn lọt vào thanh quản.
Người mẹ dù là bác sĩ nhưng khi sự việc xảy ra với người thân sẽ bị mất bình tĩnh và quên cách xử lý tốt nhất. Do vậy, nên cho trẻ múc hạt bằng muỗng chứ không nên dùng ống hút lớn. Các cửa hàng bán hàng trà sữa trân châu nên chọn ống hút nhỏ hoặc không dùng ống hút.
Các thủ thuật, vỗ lưng ấn ngực (ở trên, dùng cho trẻ dưới 1 tuổi), thủ thuật Heimlich (ở dưới bên trái) và hồi sức tim phổi đối với người bị dị vật đường thở. Ảnh: Intenet
Chia sẻ về vấn đề này, BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay, khoa cũng từng tiếp nhận một vài trường hợp trẻ bị hóc hạt trân châu. BS Phương lý giải, do kích thước của một số hạt trân châu trong các ly trà sữa khá lớn nên trẻ sẽ phải dùng lực hút mạnh mới có thể hút được hạt trân châu vào.
Khi dùng lực quá mạnh, hạt trâu châu vào miệng với tốc độ nhanh, mà thanh môn chưa kịp đóng lại, hạt trân châu sẽ lọt vào đường thở, gây ra dị vật đường thở. Bình thường, mỗi khi thức ăn vào miệng, thanh môn sẽ phải đóng lại, để thức ăn vào đường thực quản, nhưng nếu thức ăn vào với tốc độ quá nhanh sẽ khiến nắp đường thở chưa kịp đóng lại, dị vật lọt vào đường thở.
Khi dị vật vào đường thở sẽ làm cho đường thở co thắt lại. BS Phương khẳng định không chỉ hạt trân châu mà các loại thức ăn có dạng tròn như hạt đậu ở trong chè, khiến trẻ phải dùng lực mạnh hút được cũng dễ dẫn tới tai nạn. Nếu sơ cứu không đúng hoặc không hiệu quả sẽ gây ngưng tim ngưng thở và có thể tử vong.
Theo BS Phương, lúc này trẻ nên được sơ cứu bằng cách dùng các thủ thuật vỗ lưng ấn ngực hoặc dùng thủ thuật Heimlich cấp cứu dị vật đường thở (từ phía sau ôm ngang ngực ấn mạnh để tống dị vật ra ngoài), mục đích làm tăng áp lực trong đường thở một cách đột ngột tống dị vật ra ngoài.
Nếu trẻ ngưng tim ngưng thở, phải hà hơi thổi ngạt và ấn tim để hồi sức tim phổi và sau đó phải đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt và hồi sức tim phổi liên tục cho trẻ chứ không được ngắt quãng.
Theo Hoàng Lan/Pháp luật TPHCM