Tự ý mua thuốc không theo đơn, lạm dụng kháng sinh bỏ qua cảnh báo… có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, hiện công tác tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về mối nguy của kháng thuốc kháng sinh (kháng kháng sinh).
- Đánh giá của bác sĩ về vần đề kháng kháng sinh hiện nay?
- Tôi đánh giá đây là thời điểm thích hợp để đưa ra vấn đề này. Trước đây y tế còn nghèo, điều trị chủ yếu theo kinh nghiệm, trong đó việc sử dụng kháng sinh còn mù mờ. Khi khoa học kỹ thuật phát triển hơn, y học điều trị dựa theo bằng chứng, nhiều người mới nhận ra mình đang xem nhẹ ngay cả hệ miễn dịch của bản thân.
Khi tiếp cận với nguồn thông tin trên internet, hiểu biết về kháng kháng sinh có thể còn khá mơ hồ. Trong khi thực tế không phải nguồn tin nào cũng chính xác nên tôi quyết định chia sẻ cho rõ ràng, dễ hiểu hơn về kháng kháng sinh.
- Đây không phải lần đầu vấn đề kháng kháng sinh được cảnh báo nhưng tại sao bây giờ mọi người mới quan tâm nhiều hơn?
- Kháng kháng sinh được đề cập từ lâu nhưng thông tin tường minh, rõ ràng lại là chuyện khác. Những hành động tưởng chừng đơn giản như tự ý mua thuốc không theo đơn, lạm dụng kháng sinh bỏ qua cảnh báo… đã góp phần tạo ra những con siêu vi khuẩn từ trong chính gia đình. Khi nhìn rõ vấn đề, nhiều người có thể muốn nhận được nhiều thông tin hơn nữa, nhất là giải pháp khắc phục kháng kháng sinh.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng chia sẻ vấn đề kháng kháng sinh được nhiều người quan tâm.
- Bác sĩ có thể chia sẻ về câu chuyện nhiễm khuẩn trong quá trình công tác?
- Trường hợp một bệnh nhân viêm phổi vì siêu vi khuẩn từ tuyến dưới chuyển lên, kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có trên thị trường. Đây lại không phải trường hợp đầu tiên. Nhiều bệnh nhân trong phòng cấp cứu và hồi sức bội nhiễm vi khuẩn siêu kháng thuốc. Đáng tiếc là hầu hết họ không qua khỏi.
Siêu vi khuẩn bình thường rất ít có khả năng gây bệnh trên người khỏe mạnh, chỉ vì một lý do nào đó hệ miễn dịch yếu đi mới tạo điều kiện để nó bội nhiễm. Khi y học tiên tiến và sức mạnh miễn dịch đầu hàng trước siêu vi khuẩn, bất lực trong nỗ lực cứu sống bệnh nhân chỉ vì kháng kháng sinh, đối với tôi, cảm xúc đó rất khó tả.
- Theo bác sĩ, mỗi cá nhân cần phải làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình?
- Tôi nghĩ việc đầu tiên là cần làm công tác tuyên truyền tốt hơn để người dân hiểu được tầm quan trọng trong việc điều trị theo phác đồ và tuân thủ chế độ chỉ định của bác sĩ. Lạm dụng kháng sinh là chủ quan về sức khỏe. Không những ý thức trong việc sử dụng kháng sinh, mỗi người, nhất những bậc làm cha mẹ cần tăng cường phòng bệnh cho bản thân và con trẻ.
- Làm thế nào nào để chủ động phòng bệnh tại gia đình?
- Cơ thể con người luôn tồn tại vi khuẩn tại các hốc tự nhiên, trên da, bao gồm vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu. Mối cân bằng này bị phá vỡ sẽ là tác nhân gây ra tình trạng nhiễm trùng. Vi khuẩn di chuyển vị trí thường do bàn tay con người đem chúng đến môi trường khác. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh thân thể có thể giúp hạn chế bớt những vi khuẩn ngoại lai có hại.
Các tế bào con người luôn sinh sôi nảy nở và chết đi, cùng với các tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn tạo điều kiện cho nhiều loại vi sinh vật ký sinh trên da phát triển. Rửa tay và tắm rửa sạch hàng ngày góp phần bào mòn những lớp da chết, hạn chế vi khuẩn có hại cho cơ thể. Thói quen vệ sinh tốt cùng với hệ miễn dịch khỏe mạnh góp phần hạn chế bệnh tật ngay tại gia đình.
Theo Kim Uyên/VnExpress