Những thay đổi về độ dày và màu sắc của móng tay có thể báo hiệu một loạt các vấn đề về sức khỏe.
Bạn đang già đi: Móng tay giống như da cũng có thể bị khô. Theo bác sĩ da liễu Apple Bodemer ở Wisconsin: Khi chúng ta già đi, da sẽ gặp khó khăn hơn để duy trì độ ẩm. Đó là bởi vì, móng tay của chúng ta dễ bị bốc hơi hơn, đặc biệt là nếu bạn rửa tay thường xuyên. Ngoài ra, móng tay giòn cũng có thể là dấu hiệu thiếu máu, suy giáp, hoặc rối loạn ăn uống như biếng ăn.
Giày của bạn quá chặt: Theo thời gian, mang giày quá chặt có thể gây ra chấn thương móng chân, móng có thể dày lên và bị biến dạng. Những người tập luyện thường xuyên như đi bộ và người chạy bộ cũng có thể móng chân thâm tím hoặc dày hơn. Theo Viện Da liễu Mỹ, giày đẫm mồ hôi là nơi sinh sản của nấm, vì vậy hãy tìm những đôi giày cho thoáng khí.
Bạn đang thiếu một số yếu tố cần thiết trong chế độ ăn uống: Việc móng tay có vết lõm nhỏ có thể là dấu hiệu cho thấy bạn thiếu protein, sắt hoặc axit folic. Protein là một trong những nguyên tố chính trong móng, điều này giải thích tại sao móng sẽ bị rỗ hoặc lồi lõm nếu cơ thể bạn không có đủ protein.
Bạn bị thương: Vết bầm tím dưới móng chân, tay của bạn có thể xuất phát từ việc bạn bị đồ vật nặng rơi vào chân hoặc tay bị va đập mạnh. Trong khi đó, các đường màu đỏ phía đầu móng cũng có thể chỉ ra chấn thương nhưng sẽ biến mất theo thời gian.
Ung thư da: Bác sĩ Bodemer nói một vết bầm tím dưới móng tay đang phát triển, lan ra làn da xung quanh móng có thể là một dấu hiệu của một khối u lành tính hoặc ung thư da nghiêm trọng như u ác tính. Nếu bạn phát hiện ra những dấu hiệu này, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để kiểm tra.
Bạn có bệnh về da tự miễn: Việc có những vết lõm trên móng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh viêm da mạn tính như bệnh vảy nến hoặc bệnh chàm. Trong trường hợp bệnh vẩy nến, móng tay của bạn cũng có thể dày lên rất nhiều vì các tế bào đang chuyển quá nhanh và không bị bong ra.
Bạn bị bệnh phổi hoặc bệnh bạch huyết: Sự thay đổi về màu sắc cũng có thể là dấu hiệu của bệnh phổi hoặc bệnh bạch huyết, sưng do dịch bạch huyết thoát ra ngoài mạch bạch huyết. Màu vàng được cho là do lưu thông không đầy đủ và tích tụ chất lỏng trong cơ thể. Điều trị bức xạ cũng có thể gây ra bệnh bạch huyết.
Bạn bị bệnh phổi hoặc tim mạch: Tình trạng móng tay dày lên lại có màu vàng và mọc chậm có thể là biểu hiện bệnh phổi. Ngoài ra, vết sưng ngón tay có thể do lượng oxy trong máu giảm xuống và làm cho các mạch máu giãn ra. Đó là lý do tại sao sự thay đổi này trong móng tay đôi khi liên quan đến phổi hoặc bệnh tim mạch.
N.Y/VOV.VN
Theo Prevetion