Ăn nhiều mỡ, thịt động vật, ít rau xanh, chất xơ... có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Ung thư dạ dày liên quan đến tiền sử nhiễm vi khuẩn HP, chất nitrosamin trong dưa chua muối và thịt hun khói.
Thực phẩm tốt và 'đại kỵ' với người viêm loét đại tràng
Chế độ ăn nhiều mỡ, thịt động vật, ít rau xanh, chất xơ có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Ảnh minh họa: Internet
PGS. TS. Nguyễn Thanh Long - Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Đức - Giảng viên kiêm nhiệm Bộ môn Ngoại, Đại học Y Hà Nội, hiện nay bệnh nhân đến khám rất nhiều và tỷ lệ ung thư rất cao. Trong số ung thư thì tỷ lệ bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa chiếm tỷ lệ rất cao đứng thứ 3-5 trong tỷ lệ ung thư thường gặp, trong đó ung thư dạ dày là thường gặp nhất. Theo thống kê thì bệnh nhân ung thư càng trẻ hoá, tỉ lệ mắc ung thư tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Ung thư có nhiều yếu tố trong đó người ta thường xác định được là chế độ ăn uống, hóa chất độc hại, gen di truyền, tuổi tác, ô nhiễm môi trường, lối sống,...
Chế độ ăn nhiều mỡ, thịt động vật, ít rau xanh, chất xơ có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày liên quan đến tiền sử nhiễm vi khuẩn HP, chất nitrosamin trong dưa chua muối và thịt hun khói. Ung thư thực quản liên quan đến thói quen uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc lá...
Những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa nhưng không được điều trị đúng, bệnh trở thành mạn tính được đánh giá có nguy cơ bị ung thư cao hơn. Hoặc những khối u (polyp) lành tính nếu không cắt bỏ sớm, để lâu dễ chuyển sang ác tính. Ở nước ta, do đời sống kinh tế phát triển, nhiều người có lối sống hiện đại như: ăn thức ăn nhanh, các hóa chất tồn dư trong thực phẩm nhiều, thiếu ngủ, thừa cân béo phì, không vận động... khiến cho gia tăng tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn.
Cũng theo PGS - TS Nguyễn Thanh Long, mỗi bệnh nhân thì có những dấu hiệu khác nhau, nhưng nhìn chung các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư là ăn uống kém hoặc ợ nóng, đau hay khó chịu trong bụng, nôn ói, tiêu chảy hay táo bón; Trướng bụng sau ăn, chán ăn, bệnh nhân ăn khó tiêu, gầy sút cân, đau vùng thượng vị... Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều bệnh nhân đến phòng khám ở giai đoạn muộn và không có triệu chứng sớm, vì vậy, sàng lọc sớm ung thư và khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng.
Để phòng bệnh, quan trọng nhất là chế độ ăn uống đường sinh hoạt, ăn uống hợp vệ sinh, tránh thực phẩm bẩn, hóa chất độc hại, rượu bia, những thức ăn có nhiều đồ chiên nướng. Đối với ung thư dạ dày tránh thức ăn kích thích và khi có những biểu hiện nghi ngờ thì cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.
Theo Quảng An/Tiền phong (tổng hợp)