Ngày 7/3, tại thành phố Cape Town, Nam Phi, Quỹ Từ thiện Bloomberg đã vinh danh và trao giải thưởng toàn cầu cho Bộ Y tế Việt Nam vì những nỗ lực và thành tích trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận giải thưởng từ Quỹ Từ thiện Bloomberg. (Ảnh: Phi Hùng/Vietnam+)
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đại diện cho Việt Nam nhận giải thưởng quan trọng này.
Phát biểu tại lễ trao giải, Đại sứ toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các bệnh không lây nhiễm, cựu Thị trưởng thành phố New York (Mỹ) Michael R. Bloomberg đã chúc mừng các quốc gia được nhận giải thưởng lần này, trong đó có Việt Nam, vì những thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chính sách theo dõi, giám sát tình hình sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá.
Phát biểu sau khi nhận giải, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời cảm ơn WHO, Quỹ Từ thiện Bloomberg và các tổ chức trong nước và quốc tế đã luôn ủng hộ và đồng hành cùng Bộ Y tế Việt Nam trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ nhận giải. (Ảnh: Phi Hùng/Vietnam+)
Giải thưởng năm nay được trao cho sáu tổ chức chính phủ và phi chính phủ của Việt Nam, El Salvador, Mexico, Senegal, Uganda và Argentina trong đó Việt Nam là đại diện duy nhất đến từ khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Lễ trao giải nằm trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu về phòng, chống tác hại thuốc lá với chủ đề “Thuốc lá hay sức khoẻ” lần thứ 17 diễn ra từ ngày 7-9/3 với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu đến từ trên 100 quốc gia.
Hội nghị có sự tham dự của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông Micheal Bloomberg - Đại sứ toàn cầu của WHO về các bệnh không lây nhiễm và là nhà sáng lập Quỹ Từ thiện Bloomberg cùng bộ trưởng y tế một số nước như Nam Phi, Việt Nam, Uganda, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Senegal...
Theo ông Micheal Bloomberg, các biện pháp kiểm soát thuốc lá đã cứu được gần 35 triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia đang duy trì những nỗ lực trên thì ngành công nghiệp thuốc lá cũng đẩy mạnh việc tìm kiếm người tiêu dùng mới, đặc biệt là giới trẻ.
Trong những năm qua, Bộ Y tế Việt Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức chính trị xã hội trình Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và thành lập Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo đó, Luật quy định một số nội dung quan trọng như: cấm hút thuốc hoàn toàn (100% không khói thuốc) tại các địa điểm công cộng trong nhà; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm 50% diện tích các mặt trưng bày chính của bao thuốc; cấm hoàn toàn việc quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá và hạn chế trưng bày thuốc lá tại điểm bán lẻ; thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (VNTCF) từ khoản đóng góp bắt buộc của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá.
Theo điều tra toàn cầu về tình hình hút thuốc lá ở người trưởng thành, tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm 47,4% xuống 45,3%, hút thuốc thụ động nơi làm việc từ 55,9% xuống 42,6%, hút thuốc thụ động trong nhà giảm 73,1% xuống 59,9%./.
Theo TTXVN/Vietnam+