Việc cô gái thiên thần Hải An 7 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời đã làm lay động trái tim hàng vạn người. Sau trường hợp này, số người tìm hiểu, đăng kí xin được hiến tạng tăng lên gấp nhiều lần.
Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết trong 2 ngày qua tiếp nhận số người đến tận nơi, hay gửi email đến Trung tâm để xin tư vấn, đăng kí hiến tạng tăng gấp nhiều lần.
Vợ chồng anh Hải, chị Thu Hiền đăng kí hiến tạng.
Như trường hợp của vợ chồng anh Võ Thanh Hải và chị Trần Thị Thu Hiền đến Trung tâm hôm 27/2 để đăng kí hiến tạng. Anh Hải, chị Hiền đều là quân nhân và cả hai vô cùng xúc động trước câu chuyện bé Hải An đã hiến giác mạc tặng ánh sáng cho bệnh nhân mù khi qua đời.
Vì thế, hai vợ chồng anh chị cũng đã thảo luận, sắp xếp thời gian rồi cả hai quyết định đến Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia để đăng kí hiến tạng nếu không may qua đời.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, không chỉ trường hợp của cặp vợ chồng quân nhân trên, mà sau câu chuyện xúc động về gái 7 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời, rất nhiều người đã đến Trung tâm đăng ký hiến tạng.
Chỉ trong 2 ngày đầu tuần (26 – 27/2) đã có 20 người trực tiếp đến Trung tâm đăng kí hiến tạng. Số người gửi email, gọi điện qua đường dây nóng từ ngày 24/2 đến hết ngày 27/2) là hàng trăm trường hợp.
Con số này tăng rất nhiều lần, bởi trước đó mỗi ngày chỉ có 1-2 người đến đăng ký hiến tạng, thậm chí có ngày không có trường hợp nào.
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép cơ thể người, câu chuyện của bé Hải An đã thực sự lan toả, lay động trái tim nhiều người.
Câu chuyện cô gái nhỏ 7 tuổi Hải An hiến giác mạc khi qua đời đã lay động trái tim nhiều người.
Các bác sĩ vô cùng khâm phục sự vĩ đại của mẹ con Hải An. Bởi khi chia sẻ câu chuyện Hải An hiến giác mạc, việc tốt đã lan tỏa đến trái tim mọi người, nhiều người đã đăng kí hiến tạng nếu không may qua đời.
“Trên thực tế, sau khi tiếp xúc với các gia đình hiến tặng, bên cạnh ý nghĩ cứu người, làm việc thiện thì tôi đều cảm nhận được một mong muốn cháy bỏng của họ là để người thân của mình vẫn còn được hiện diện trên đời, bằng máu thịt; để họ được tiếp tục sống dù là trong cơ thể của một người xa lạ. Đó chính là tình yêu của những người còn lại đối với người ra đi mà tình yêu của mẹ Hải An dành cho cô bé là một hiện hữu rất rõ ràng”, một cán bộ Trung tâm chia sẻ.
Ở Việt Nam hiện có hàng nghìn người suy tạng mãn cần được ghép tạng nhưng nguồn cho rất hiếm. Từ năm 2006 đến nay cả nước có hơn 1.000 người được ghép mô, tạng nhưng chủ yếu là nguồn hiến từ người cho sống. Số người được ghép tạng từ nguồn cho chết não còn rất hạn chế.
Một trường hợp chết não hiến tạng có thể giúp ghép gan cho hai trường hợp, ghép thận cho 2 trường hợp, ghép tim, phổi, giác mạc…
Tại Việt Nam, theo Luật từ 18 tuổi trở lên, bất cứ ai có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não).
Để có thể hiến tạng, tại Hà Nội, người dân có thể đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đặt tại Phòng 230 nhà C2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Hoặc gọi đến đường dây nóng 0915060550, email: gheptang@vnchot.com để được tư vấn.
Theo Hồng Hải/Dân trí