Uống cà phê với cái bụng trống trơn là thói quen không hề tốt cho hệ tiêu hóa.
Nhiều người chọn cà phê thay vì bữa sáng. ẢNH MINH HỌA: SHUTTER STOCK
Nhiều người có thói quen sáng dậy là uống ngay ly cà phê rồi mới ăn sáng hoặc thậm chí nhịn luôn ăn sáng rồi sau đó đi làm. Sở dĩ họ có thói quen như vậy là bởi lười ăn sáng, hay quá bận rộn, lâu dần thành nếp sinh hoạt khó bỏ.
Người ta chọn ly cà phê thay vì bữa ăn sáng là vì cà phê giúp tỉnh táo và tăng cường năng lượng gần như tức thì, đó là chưa kể hương vị của thức uống này thì hấp dẫn miễn bàn.
Hàng loạt ích lợi của cà phê từng được khoa học chứng minh, nổi bật nhất là khả năng chống viêm, tăng lượng chất chống ô xy hóa, tăng tuần hoàn máu và giảm đau đầu...
Thậm chí mới đây, các chuyên gia sức khỏe còn chứng minh cà phê có thể giúp giảm nguy cơ bệnh đa xơ cứng.
Nhưng bạn cần biết rằng uống cà phê khi bụng đói gây bất lợi cho sức khỏe về lâu dài, đặc biệt là với hệ tiêu hóa.
Uống cà phê lúc bụng đói gây hại cho hệ tiêu hóa về lâu về dàiẢNH MINH HỌA: SHUTTER STOCK
Chuyên gia Nitin Makadia của LloydsPharmacy, hãng dược hàng đầu ở Anh, lý giải rằng cà phê (kể cả khi đã khử caffein) được cho thấy có thể kích thích sản xuất a xít. Do đó, thường xuyên dùng cà phê khi bụng rỗng dễ dẫn đến nguy cơ gây tổn thương lên niêm mạc dạ dày.
Tiến sĩ Adam Simon, giám đốc chuyên môn của PushDoctor.co.uk, cho rằng thói quen uống cà phê trước khi ăn sáng có thể gây chứng ợ nóng hoặc khó tiêu. Dùng cà phê với cái bụng đói còn có thể khiến bạn bị mất nước, từ đó gây nhịp tim bất thường, và điều này có thể gây ảnh hưởng xấu cho huyết áp.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo tốt nhất là chúng ta uống cà phê sau khi đã ăn cái gì đó, nếu không thì có thể thêm sữa vào cà phê để tạo điều kiện cho cơ thể hấp thu các vitamin và dưỡng chất khác, làm giảm tác động xấu của caffein lên bao tử rỗng. Hoặc bạn cũng có thể vừa ăn vừa thưởng thức cà phê cũng ổn.
Riêng những ai chỉ uống cà phê và nhịn ăn đi làm thì nên điều chỉnh sớm thói quen này. Bởi nếu bỏ bữa, cơ thể sẽ thiếu dưỡng chất cần thiết để duy trì sức khỏe. Khi đói, cơ thể bị thiếu glucose, kết quả là lượng đường huyết giảm, gây nhức đầu và chậm chạp. Ngoài ra, đường huyết không ổn định về lâu dài có thể dẫn đến bệnh về tim mạch.
Không những thế, nhịn ăn thường xuyên còn gây táo bón, mất ngủ và dẫn đến tâm trạng thất thường, hay căng thẳng, cáu giận.
Theo Thanh niên Online