Hầu hết trẻ em VN mới sinh đều có chiều dài tương đương các nước nhưng từ 3 tuổi trở lên, khoảng cách dần cách biệt và bị thế giới bỏ xa do cha mẹ không có các biện pháp can thiệp kịp thời.
TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc TT Tư vấn, Phục hồi dinh dưỡng và Kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành hiện nằm trong nhóm những nước có chiều cao thấp ở châu Á và bị các quốc gia châu Âu bỏ xa dù chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã triển khai nhiều chục năm.
TS Phan Bích Nga
Nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chiều cao người VN chỉ nhỉnh hơn Indonesia, nam giới thấp hơn Campuchia 0,4 cm, nữ giới thấp hơn 0,2cm.
Theo bà Nga, ngoài các nguyên nhân như thiếu vi chất, môi trường ô nhiễm bụi, vi khuẩn, tác động hoá chất... có một phần do cha mẹ không nắm được 2 giai đoạn vàng tăng trưởng chiều cao của trẻ để “thúc” dinh dưỡng hợp lý. Vì trên thực tế, chiều cao mỗi người chỉ phụ thuộc 20% yếu tố di truyền.
1.000 ngày đầu đời
TS Nga cho biết, 1.000 ngày đầu đời (từ khi trẻ được mang thai đến 24 tháng tuổi) là giai đoạn vàng để phát triển chiều cao và thể chất vượt trội.
Nếu được bổ sung dinh dưỡng đúng và đủ, giai đoạn này, trẻ có thể tăng 25cm trong năm đầu tiên và 10cm mỗi năm trong 2 năm tiếp theo. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai.
Trong đó, giai đoạn trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi đạt tốc độ phát triển nhanh nhất so với mọi giai đoạn khác. Trẻ có thể có cân nặng gấp đôi cân nặng sơ sinh trong vòng 4-5 tháng đầu và gấp 3 lần cân nặng sơ sinh vào cuối năm thứ nhất. Đến khi tròn 1 tuổi, chiều dài nằm (tức là chiều cao của trẻ) đã tăng gấp rưỡi so với chiều dài khi sinh.
Trẻ dưới 2 tuổi cũng là giai đoạn diễn ra sự chuyển tiếp về nuôi dưỡng (ăn dặm và sau đó dần chuyển sang ăn bữa ăn cùng gia đình), đồng thời cũng là điểm trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là tiêu chảy và viêm đường hô hấp.
Do vậy, trong giai đoạn này trẻ cần được chăm sóc cẩn thận hơn. 6 tháng đầu trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn, từ tháng thứ 7, bắt đầu bổ sung thức ăn sệt đủ chất và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng.
Đây cũng giai đoạn trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng cao nhất. Những trẻ bị suy dinh dưỡng trong 2 năm đầu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não cũng như thể lực, đặc biệt là chiều cao của trẻ ở tuổi vị thành niên.
Sau 2 tuổi, tốc độ tăng trưởng không quá nhanh, khoảng 6,2 cm/năm, mật độ xương cũng chỉ tăng thêm khoảng 1% /năm ở cả bé trai và bé gái.
Tuy nhiên việc có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển chắc khỏe của xương là tiền đề cho sự phát triển chiều cao ở lứa tuổi dậy thì.
Giai đoạn dậy thì
Tốc độ tăng trưởng ở lứa tuổi dậy thì (12-18 tuổi) nhanh cả về chiều cao, cân nặng, ở thời điểm đỉnh có thể đạt đỉnh 10-15cm/năm.
Bắt đầu từ 10 tuổi, cứ mỗi năm bé gái tăng khoảng 10 cm chiều cao và tăng dần đến khi đạt được 15 cm một năm ở độ tuổi 12. Đỉnh tốc độ tăng trưởng của trẻ nam là 12 tuổi (10cm/ năm) và đạt tối đa đến 14 tuổi (15 cm/năm). Từ 15 tuổi ở nữ và 17 tuổi ở nam, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần.
Bắt đầu từ 10 tuổi, chiều cao của trẻ bắt đầu tăng mạnh và có thể đạt đỉnh 15cm/năm
Giai đoạn từ 8-17 tuổi sẽ quyết định 23% chiều cao ở người trưởng thành. Kích thước xương, khối lượng xương và mật độ chất khoáng ở mỗi xương tăng lên khoảng 4% mỗi năm tính từ giai đoạn trẻ 8 tuổi cho đến qua giai đoạn vị thành niên.
Do đó, giai đoạn này trẻ cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng chính để tăng trưởng và phát triển gồm protein, sắt, canxi, vitamin A, vitamin D, iot và kẽm. Ngoài ra, còn có vai trò của hormone GH và các hormone sinh dục.
Trong giai đoạn này, cơ thể có nhiều tiềm năng để khắc phục các tình trạng chậm phát triển do thiếu dinh dưỡng ở các giai đoạn trước.
Tuy nhiên TS Nga lưu ý, việc dùng thuốc thay thế hormone chỉ sử dụng trong những trường hợp trẻ đã được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng chặt chẽ để chẩn đoán xác định, tuyệt đối không tự ý dùng sẽ không có tác dụng và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, ở những năm tiếp theo, khi cơ thể được ăn uống hợp lý, tích cực rèn luyện thể dục thể thao trong môi trường và lối sống lành mạnh, chiều cao vẫn tiếp tục tăng ít cho đến 25 tuổi ở nữ giới và 28 tuổi ở nam giới.
Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet