BGTV - Các loại nước tẩy rửa nhà vệ sinh, thông bồn cầu, tẩy quần áo.... được sử dụng rộng rãi trong gia đình. Tuy nhiên, chúng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mà nếu không cẩn thận người sử dụng sẽ “rước họa vào thân”.
Cẩn thận kéo “rước họa vào thân”
Mấy ngày mưa bão, bé Thảo được mẹ là chị Nguyễn Thị Thúy Vân (Việt Yên, Bắc Giang) cho nghỉ học mẫu giáo để ở nhà. Đang nấu cơm, bỗng chị Vân nghe thấy tiếng bé ré lên trong nhà vệ sinh. Vội chạy vào thì chị thấy bé gào khóc kêu đau tay, mấy giọt chất tẩy bắn lên bàn tay bé, còn chai tẩy rửa nhà vệ sinh nằm lăn lóc dưới sàn. Chị vội vã cho tay bé vào dưới vòi nước rồi đưa con đến bệnh viện.
Nhiều bệnh nhân bị bỏng vì sơ ý khi sử dụng hóa chất tẩy rửa bồn cầu
May mắn sao hóa chất nhẹ, chỉ bắn vào tay, lại được chị sơ cứu kịp thời, đến viện sớm nên tình trạng bé không có gì nguy hiểm. Chia sẻ với phóng viên, chị Vân cho biết: “Tôi mua chai tẩy rửa nhà vệ sinh ở chợ gần nhà. Do chủ quan nên để ngay trên sàn nhà vệ sinh. Không ngờ lại khiến cháu bị bỏng. Tới bệnh viện, do bỏng nhẹ nên cháu được bác sĩ thăm khám, cho thuốc về nhà bôi nên mấy ngày sau đã khỏi”.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng “nhẹ nhàng” như vậy. Những ngày gần đây, trên báo chí liên tiếp đưa tin trường hợp một người đàn ông ở thành phố Hồ Chí Minh bị cháy da mặt, bỏng cổ nặng vì sơ ý làm đổ chai hóa chất khi đang dọn nhà vệ sinh. Dù đã đến bệnh viện ngay sau khi sự việc xảy ra nhưng do chưa được sơ cứu ban đầu, dung dịch có chứa axit đã ăn mòn gây bỏng sâu, điều trị khó khăn, kéo dài.
Cần sơ cứu đúng cách
Hóa chất tẩy rửa chứa nhiều dung dịch axit, kiềm
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, trường hợp bỏng do nước tẩy rửa nhà vệ sinh, bồn cầu, tẩy quần áo .... không phải là trường hợp hiếm gặp. Nhiều bệnh nhân tưởng nhẹ nhưng thật ra lại rất nặng. Nguyên nhân là do trong các loại hóa chất tẩy rửa chứa axit, kiềm. Các hóa chất này khi dính vào cơ thể sẽ phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... gây hoại tử từ bên ngoài vào trong và để lại những hậu quả rất nặng nề dù mất nhiều thời gian điều trị.
Hiện nay, do tiện dụng nên các hộ gia đình thường xuyên sử dụng dung dịch tẩy rửa. Tuy nhiên, người dân cần cẩn trọng khi mua và sử dụng các loại hóa chất này. Theo đó, nên sử dụng găng tay, mang giày, kính, dụng cụ bảo hộ lao động (nếu có); cất giữ hóa chất tránh xa tầm với của trẻ em....
Không sử dụng xà phòng để rửa tay sau khi bị bỏng
Ngoài ra, khi bị bỏng hóa chất, cần ngay lập tức sơ cứu tại chỗ bằng cách rửa ngay vết thương liên tục dưới vòi nước sạch khoảng 15 – 20 phút để hóa chất bị pha loãng, không tiếp tục ăn sâu và lan sang các phần mô khác. Lưu ý không dùng xà phòng, kem hay các chất khác lên vết bỏng rồi sau đó đến bệnh viện để thăm khám và điều trị.
An Yên