BGTV- Điều kiện chăm sóc, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh Bắc Giang hiện nay về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tại khu vực các xã miền núi, vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại còn khó khăn khiến nhiều người dân do nhận thức hạn chế vẫn tìm đến chữa bệnh tại các thầy lang “chui”, hiệu quả chưa được kiểm chứng, song nhiều trường hợp đã để lại hậu quả đáng tiếc.
Chị Lăng Thị M. (dân tộc Nùng, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn) – bệnh nhân đến khám và điều trị viêm giác mạc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Ngạn cho biết cách đây gần 1 tháng chị M có bị đau, đỏ mắt. Do nhà cách xa trung tâm, kinh tế lại không dư giả để đi khám bệnh nên chị đến thăm khám bệnh tại nhà một “bà lang” trong xã. Bài thuốc của người này gồm các loại lá, rễ cây để sắc nước uống và rửa mắt. Theo như chị M tìm hiểu được biết cũng đã có nhiều người chữa khỏi bệnh, ngoài chữa đau mắt, người này còn chữa cả bệnh viêm gan, đau dạ dày... Nghĩ tình trạng bệnh nhẹ nên chị M chủ quan dùng theo bài thuốc này với hi vọng mau chóng khỏi bệnh.
Người dân không nên "đánh cược" sức khỏe vào những bài thuốc của các thầy lang "chui"
Tuy nhiên sau hơn 1 tuần theo bài thuốc “gia truyền” của bà lang, bệnh đau mắt của chị M không chuyển biến mà có dấu hiệu lan sang cả hai mắt, đỏ và đau nhức kèm theo chảy nước mắt, gỉ mắt liên tục... Thấy tình trạng xấu đi, chị M mới vội vã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Lục Ngạn. “Bác sỹ kết luận tôi bị viêm loét giác mạc, vì rửa bằng nước lá nên bệnh càng nặng, cũng may đến khám kịp thời nếu không có thể bị mù vĩnh viễn, nếu mà biết bệnh nặng thế tôi đã không dám chữa thầy lang bừa bãi như vậy” – chị M cho biết.
Tháng 9 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang thông báo trường hợp bà N.T.D (SN 1950) thôn Đông Lai, xã Song Vân, huyện Tân Yên tử vong vì chữa bệnh dại tại nhà một thầy lang ở xã Liên Chung. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp chịu hậu quả đáng buồn vì chữa bệnh tại những thầy lang “chui”, không có trình độ, chuyên môn về y khoa, hiệu quả các bài thuốc chưa hề được kiểm chứng mà chủ yếu do người dân “truyền tai” nhau, hệ quả dẫn đến việc chậm trễ trong điều trị bệnh, khi bệnh chuyển nặng mới tìm tới cơ sở y tế thì đã quá muộn. Việc người dân tin vào “thầy lang” thay vì phương pháp y khoa hiện đại còn cho thấy nhận thức trong việc bảo vệ sức khỏe, khám chữa bệnh của một số bộ phần người dân còn nhiều hạn chế.
Khám và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế "chuẩn" sẽ giúp hỗ trợ người dân rất nhiều
Quy trình khám việc khám chữa bệnh gồm quá trình toàn diện từ thăm khám lâm sàng để chẩn đoán và chỉ định điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra đơn thuốc của bác sỹ còn phải hướng dẫn chi tiết cách dùng thuốc và những lưu ý liên quan đến bệnh tật. Việc người dân tự chữa bệnh nghe theo lời đồn thổi, không đúng bệnh, không đúng thuốc sẽ có thể gây nguy hại tới sức khỏe, để lại hậu quả đáng tiếc không thể khắc phục.
Bắc Giang là tỉnh miền núi với số đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 12%, bên cạnh đó nguồn lợi về cây thuốc nam trong tỉnh khá lớn, không thể phủ nhận hiệu quả của những bài thuốc gia truyền mang lại, tuy nhiên đây không phải là phương thuốc chữa “bách bệnh” như nhiều người lầm tưởng. Do thói quen và nhận thức hạn chế, người dân, nhất là đồng bào dân tộc hiện vẫn thường tìm thầy lang để “cứu cánh” khi có bệnh.
Việc các “lang băm” núp bóng “thầy thuốc đông y” hoặc tự ý bốc thuốc, chữa trị bằng các bài thuốc “gia truyền” đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các lương y chân chính và mục tiêu phát triển của ngành y học cổ truyền của tỉnh Bắc Giang cũng như cả nước. Để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” này, rất cần đến sự quản lý, đánh giá và phân luồng chặt chẽ, kịp thời từ các đơn vị quản lý, ngành chức năng của tỉnh và cơ sở. Ngoài ra chính quyền địa phương, cơ quan y tế cần vào cuộc tích cực, xử lý những đối tượng hành nghề trái phép, giúp người dân nhận ra bản chất vấn đề và có ứng xử phù hợp, người dân cần tỉnh táo, không nên đánh cược sức khỏe bản thân trước các bài thuốc “truyền miệng”, không nên mù quàng tin tưởng vào những phương pháp chữa bệnh phản khoa học có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Minh Anh