BGTV- Làm đẹp cho con là nhu cầu của rất nhiều bậc cha mẹ, song không phải cách thể hiện nào cũng phù hợp. Việc bấm khuyên tai cho trẻ, đặc biệt là các bé gái được nhiều phụ huynh áp dụng từ rất lâu, tuy nhiên nếu không đảm bảo an toàn, vệ sinh... rất có thể những chiếc khuyên tai nhỏ bé có thế ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Bấm lỗ tai cho trẻ tưởng chừng như là việc vô cùng đơn giản nhưng thực ra không phải dễ một chút nào. Nhiều cha mẹ thường bấm lỗ tai cho trẻ ở độ tuổi sơ sinh khi trẻ mới chỉ được 4 - 5 tháng tuổi, thậm chí có người còn làm việc này khi trẻ mới sinh được 1-2 ngày vì nghĩ rằng ở giai đoạn này dễ quên nỗi đau nhanh hơn. Song các bậc cha mẹ không hề biết rằng việc này tiềm tàng rất nhiều mối nguy hiểm đối với trẻ và ngay cả khi bé lớn, những nguy hiểm này vẫn còn tồn tại như nhiễm trùng, lỗ tai không đồng đều, để lại sẹo hoặc gây ra một số bệnh tật khác.
Bấm lỗ tai cho trẻ gây đau đớn nên cha mẹ cần cân nhắc kỹ khi làm đẹp cho con
Chị Nguyễn Thị P. (Phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang) từng bấm lỗ tai cho con gái khi cháu bé được 5 tháng tuổi, tuy nhiên việc làm tưởng chừng như “vô hại” này đã khiến gia đình chị được dịp “hú vía”. Chị P cho hay: “Thấy bạn mình cho con bấm khuyên tai nhìn rất xinh, thấy thế mình cũng về đưa con đến một cửa hàng gần nhà để làm điệu, chỗ người quen nên tin tưởng chắc sạch sẽ không sao, nhưng từ lúc làm về cháu khóc rất nhiều, sang ngày hôm sau thấy sốt nhẹ, sợ quá mình đưa con vào viện khám thì các bác sỹ kết luận bị nhiễm trùng vết bấm lỗ tai, cũng may tháo ra kịp thời chứ không chẳng biết chuyện gì xảy ra”.
Việc bấm lỗ tai cho trẻ, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể gây ra nhiều vấn đề đáng lo ngại do sau khi bấm lỗ tai bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ tổn thương trên da và cần một thời gian nhất định để lành lại, lúc này việc vệ sinh không kỹ có thể dẫn tới nhiễm trùng (như nhiễm trùng viêm gan và khuẩn tụ cầu) sau khi bấm. Điều này có thể dẫn tới chảy máu, áp xe nghiêm trọng, ngoài ra trẻ cũng có thể bị dị ứng, đau xung quanh vết thương từ việc bấm lỗ tai.
Các gánh hàng rong kiêm dịch vụ “bấm lỗ tai” thường xuất hiện nhiều tại các vùng nông thôn, tuy nhiên điều kiện vệ sinh thường kém, không đảm bảo
Theo các bác sĩ nhi khoa Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, các bậc cha mẹ không nên vội vã đeo khuyên tai, trang sức cho con từ khi còn quá sớm bởi lúc này làn da của trẻ còn rất mỏng manh, dễ kích ứng. Độ tuổi thích hợp để các bậc phụ huynh có thể bắt đầu bấm lỗ tai cho trẻ là khoảng 7 tháng tuổi trở lên vì lúc này trẻ có thể chịu được đau đớn và cũng có sức đề kháng, khả năng để chữa lành được vết thương. Tuy nhiên điều đặc biệt cần lưu tâm là cha mẹ nên lựa chọn những cơ sở sạch sẽ, đảm bảo khử trùng tuyệt đối dụng cụ để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khâu vệ sinh sau khi bấm lỗ tai cho trẻ cũng rất quan trọng, cha mẹ nên làm sạch vết thương cho trẻ bằng nước oxy già, rửa tay thật kỹ lưỡng trước khi chạm vào lỗ tai mới xỏ của trẻ để tránh nhiễm trùng, theo dõi thường xuyên từ 2-3 ngày xem trẻ có triệu chứng sốt, sưng đỏ hay có mủ không, tránh nước tắm, xà phòng, nước bể bơi. Khi phần lỗ tai lành lại, cha mẹ nên lựa chọn loại khuyên bằng hợp kim không rỉ, vàng 14k hoặc bạch kim để giữ lỗ và làm đẹp cho bé. Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như tai bị sưng to, có mủ, đổi màu... thì cần đưa tới thăm khám bác sĩ sớm nhất có thể tránh ảnh hưởng sức khỏe của bé.
Minh Anh