Trước đây, người ta tin rằng những người bị trầm cảm hay các vấn đề về tâm thần sẽ có hệ lụy là không thể ngủ vào ban đêm. Nhưng một nghiên cứu hiện nay cho thấy thiếu ngủ mới gây ra những vấn đề này.
Nghiên cứu do quỹ Wellcome Trust tài trợ đã chia 3.755 người thành 2 nhóm ngẫu nhiên. Một nhóm sẽ được trị liệu hành vi chứng mất ngủ bằng cách ghi nhật ký giấc ngủ, nghe các âm thanh thư giãn và sử dụng các chiến lược như rời khỏi giường sau 15 phút không thể ngủ và thực hiện các bài tập thư giãn, giãn cơ...
Kết quả là chứng mất ngủ giảm 50% và đồng thời ít bị ác mông, ảo giác và lo lắng. Những người không ngủ đủ có nguy cơ bị hoang tưởng, trầm cảm, lo âu và gặp ác mộng.
Những người mất ngủ khi áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức để có thể ngủ đã giảm được 20% những lo lắng, trầm cảm, họ cũng tin tưởng vào người khác và kết quả là hạnh phúc hơn 10%.
Trưởng nhóm nghiên cứu Daniel Freeman, chuyên gia về tâm lý lâm sàng của ĐH Oxford và Quỹ Oxford Health NHS cho biết: “Các rối loạn giấc ngủ rất phổ biến ở những người có các rối loạn sức khỏe tâm thần nhưng mất ngủ kéo dài thường bị tầm thường hóa là 1 triệu chứng của tâm lý chứ không phải là nguyên nhân.
Nghiên cứu này đã cho thấy mất ngủ có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Hậu quả của mất ngủ
“Một giấc ngủ ngon thực sự có thể tạo ra sự khác biệt về sức khỏe tâm lý cho mọi người. Giúp mọi người ngủ ngon hơn có thể là bước đầu tiên quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tâm lý và tình cảm.
Các buổi trị liệu trực tuyến cũng giúp cải thiện sự hoang tưởng rằng mọi người tránh họ, không cười với họ hoặc “xa lánh” họ.
Tác động của thiếu ngủ đến từng người là khác nhau, đặc biệt ở những người có khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực, họ sẽ mất ngủ triền miên.
GS. Freeman cho biết: “Thiếu ngủ gây rắc rối gấp đôi cho tâm trí của bạn – tác động tới những gì bạn nghĩ và cách bạn nghĩ về nó.
Những suy nghĩ trở nên lệch lạc, chậm chạp và đầy sợ hãi trong khi đó quá trình xử lý của não có xu hướng theo đuổi những suy nghĩ tiêu cực cứ lặp đi lặp lại.
“Về bản chất, hậu quả của mất ngủ là những suy nghĩ tiêu cực và chúng ta cứ mắc kẹt trong đó”.
TS. Andrew Welchman, Giám đốc Khoa học Thần kinh và Sức khỏe tâm thần của Wellcome, cho biết: “Đây là một nghiên cứu quan trọng, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy giấc ngủ là 1 yếu tố quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu này cho thấy cải thiện giấc ngủ chính là một cách điều trị sớm giúp cho sức khỏe tâm thần của người trẻ tốt hơn”.
Trước đó, các nhà nghiên cứu trường ĐH Oxford đã theo dõi gần 3.890 có vấn đề về giấc ngủ và họ nhận thấy những người “bỏ lỡ” giấc ngủ cũng đồng nghĩa với việc họ “từ chối” quãng thời gian để não bộ phục hồi, giúp ghi lại những kỷ niệm mới và sắp xếp lại những kỷ niệm cũ.
Theo đó, mỗi đêm cứ 3 người sẽ có 1 người phải vật lộn với giấc ngủ và hậu quả là họ bị “mắc kẹt” trong những suy nghĩ tiêu cực và thiếu tin tưởng cứ lặp đi lặp lại.
Nghiên cứu trên sinh viên đại học dưới 25 tuổi đăng tải trên tạp chí Lancet Psychiatry, cũng là nghiên cứu lớn đầu tiên cho thấy tác động của việc điều trị mất ngủ với những vấn đề tâm thần. Nghiên cứu này cũng có thể đúng với mọi nhóm tuổi khác.
Theo Nhân Hà/Dân trí