190
/
175069
Trẻ em cũng bị trầm cảm, vì sao?
tre-em-cung-bi-tram-cam-vi-sao
news

Trẻ em cũng bị trầm cảm, vì sao?

Thứ 3, 14/01/2025 | 10:10:00
663 lượt xem

Nhiều người cho rằng chỉ người lớn mới bị trầm cảm, nên khi bác sĩ chẩn đoán con trầm cảm có ông bố, bà mẹ đã ngỡ ngàng.

Trẻ em cũng bị trầm cảm, vì sao? - Ảnh 1.

Ths Phùng Thị Lụa đang trị liệu tâm lý cho một bệnh nhi - Ảnh: H.T

Cháu N.H.N.T. (15 tuổi, ở quận 12, TP.HCM) có gương mặt xinh xắn, đang học lớp 10, được mẹ dẫn đến khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 khám với lý do hơn một tháng nay cháu hay buồn, hay khóc, không muốn ra ngoài chơi, chỉ thích nằm trong phòng.

Trầm cảm 3-4 năm mà gia đình không biết

Qua thăm khám, chuyên viên tâm lý ghi nhận bệnh nhi có các biểu hiện như đau đầu mệt mỏi, kém tập trung, không ngon miệng, khó vào giấc ngủ, ngủ gặp ác mộng, mất hứng thú, dễ khóc, buồn chán. Cô bé còn có ý nghĩ tự hủy hoại bản thân, rạch tay nhiều lần, không muốn giao tiếp với mọi người, thích nằm trong phòng, chán ghét bản thân.

Cô bé có một người chị gái học rất giỏi. Khi cháu lên lớp 10 đã bị những thầy cô từng dạy chị gái từ 2 năm trước so sánh với nhận xét "em học thua chị", "học không bằng chị". Không chỉ thầy cô, cha mẹ cháu cũng hay so sánh với chị gái. Cha mẹ cho rằng so sánh chỉ với mục đích để cháu cố gắng học tốt hơn.

Khác với sự mong muốn của thầy cô và cha mẹ, cháu lại sinh ra buồn chán, chán ghét bản thân, đánh giá bản thân thấp kém. Bác sĩ chẩn đoán T. bị trầm cảm mức độ nặng.

Tương tự, H.T.Q.A. (15 tuổi, ngụ Đồng Nai) đang học lớp 10 cũng được ba mẹ đưa lên khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 khám với lý do khoảng một tháng nay cháu buồn, hay đau đầu, khó thở, ăn ít. Cha mẹ đã nhiều lần đưa cháu đi khám nhiều chuyên khoa nhưng các bác sĩ đều khẳng định "không có bệnh gì về thực thể".

Qua khai thác thông tin, chuyên viên tâm lý ghi nhận cháu có các biểu hiện như đau đầu, nhói tim, khó thở, tức ngực, kém chú ý, không muốn vận động, chán ăn, ngủ hay gặp ác mộng, cảm thấy trống rỗng, mất hứng thú, người mệt mỏi. Cháu cũng có ý nghĩ muốn tự tử, không còn muốn tham gia các hoạt động như trước, dễ cáu gắt, sợ đi học.

Trước đó A. là học sinh xuất sắc, đứng thứ ba trong lớp. Nhưng cháu lại luôn muốn phải học giỏi, đứng thứ nhất. Khi không đạt được như mong muốn cháu cảm thấy buồn chán, không tin vào thực lực của bản thân, sợ học, sợ không dám đến trường, muốn trốn tránh việc học nhưng bản thân lại không muốn nghỉ học. Cháu A. cũng được chẩn đoán trầm cảm mức độ nặng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, trưởng phòng khám chất lượng cao - tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết mỗi tháng có từ 12-20 trẻ đến khám các triệu chứng trầm cảm, thường gặp từ 13 tuổi trở lên, tuổi nhỏ hơn số lượng không nhiều.

Khi đến khám, những trẻ này có biểu hiện như buồn chán, lo lắng, đánh giá bản thân thấp kém, khó ngủ, ngủ ít hoặc ngủ nhiều, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, không muốn tiếp xúc, mất hứng thú, mất tập trung, học hành sa sút…

ThS Phùng Thị Lụa, chuyên viên tâm lý tại đây, cho biết trầm cảm là một rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, tuyệt vọng, thiếu động lực kéo dài trong một thời gian dài. Người trầm cảm có thể thấy mất hứng thú với những hoạt động trước đây mà họ yêu thích, cảm thấy lo âu, mệt mỏi hoặc có suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cuộc sống.

"Nhiều người cho rằng chỉ người lớn mới bị trầm cảm nên nhiều ông bố, bà mẹ đã ngỡ ngàng khi bác sĩ chẩn đoán con họ mắc bệnh trầm cảm. Trẻ em cũng bị trầm cảm. Các triệu chứng trầm cảm của trẻ em và người lớn hầu như không có nhiều khác biệt", ThS Lụa thông tin.

Theo bà Lụa, trẻ bị trầm cảm thường ít chia sẻ những khó khăn bản thân đang gặp phải cho cha mẹ, thầy cô hay bạn bè và những người thân. Khi được hỏi lý do, các em đều nói là sợ người khác biết bí mật, sợ không hiểu mình.

Có những trẻ đã có biểu hiện trầm cảm trước đó 3-4 năm mà gia đình không hề hay biết, thậm chí có những trường hợp lâu hơn. Khi đến khám, trẻ được giải tỏa cảm xúc, không ít em đã khóc rất nhiều.

Trẻ em cũng bị trầm cảm, vì sao? - Ảnh 2.

Trẻ chán ăn, mệt mỏi không rõ lý do cũng có thể là dấu hiệu của trầm cảm - Ảnh minh họa

Phòng ngừa trầm cảm cho trẻ

"Để chẩn đoán trầm cảm, trẻ sẽ được thăm khám các chuyên khoa liên quan nếu có các triệu chứng thực thể như khó thở khám chuyên khoa tim mạch, đau đầu khám chuyên khoa thần kinh. Sau đó trẻ được khám chuyên khoa tâm lý và thực hiện các thang đo để loại trừ rối loạn lo âu", ThS Lụa cho hay.

Theo ThS Lụa, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị trầm cảm như di truyền, xung đột với cha mẹ, bạo lực học đường, áp lực học tập, những tổn thương về tâm lý như trẻ mất đi người thân, bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục...

Nếu trẻ bị trầm cảm mà phát hiện muộn sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, thời gian điều trị lâu hơn, ảnh hưởng đến chất lượng sống và các mối quan hệ xã hội của trẻ, nặng hơn trẻ có ý nghĩ tự sát.

Trầm cảm có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và người bệnh phải tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của nhà chuyên môn, liệu pháp chính đầu tiên là điều trị tâm lý. Khi điều trị tâm lý không cải thiện thì kết hợp với điều trị thuốc. Bên cạnh đó trẻ còn được điều trị phương pháp y học cổ truyền để làm giảm các triệu chứng đau của cơ thể.

Để phòng ngừa trầm cảm cho trẻ, cần tạo môi trường gia đình ổn định và yêu thương. Gia đình phải là nơi để trẻ luôn cảm thấy an toàn từ những thành viên trong gia đình. Môi trường gia đình không có xung đột sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin và không bị quá áp lực.

Trẻ cần có chế độ ăn uống cân đối, giấc ngủ đủ và chất lượng, ngủ đủ giấc giúp tái tạo năng lượng cho cơ thể và não bộ, giảm nguy cơ trầm cảm. Tập thể dục thường xuyên giúp trẻ giảm căng thẳng, lo âu và nâng cao tinh thần. Quản lý thời lượng trẻ sử dụng các thiết bị điện tử hợp lý.

Trẻ nên duy trì mối quan hệ gần gũi với cha mẹ, thầy cô để làm giảm cảm giác cô đơn, tuyệt vọng. Nên cho trẻ tham gia các hoạt động thiện nguyện để cảm thấy có mục đích sống. Cố gắng thay đổi để có thói quen suy nghĩ tích cực. Chấp nhận những thiếu sót của bản thân thay vì so sánh bản thân với người khác

Các bậc cha mẹ nên dạy cho trẻ cách nhận diện và chia sẻ những cảm xúc tiêu cực. Dạy trẻ cách đối mặt và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Trẻ có thể học được cách đối phó với những khó khăn mà không cảm thấy bất lực.

Khi cha mẹ, thầy cô hay người thân nhận thấy trẻ thay đổi thói quen sinh hoạt như ăn ngủ thất thường nhiều hơn hoặc ít hơn, không còn hào hứng với các hoạt động trước đây mà trẻ thích thú, nằm trong phòng nhiều, không muốn vận động, không chịu vệ sinh cá nhân, học tập giảm sút, cáu gắt, dễ khóc.

Trẻ buồn chán, lo lắng, đau đầu, khó thở, mệt mỏi, tự ti, giảm chú ý, có hành vi tự làm tổn hại cơ thể… nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý để được chẩn đoán bệnh sớm và được điều trị kịp thời.

Theo Thùy Dương/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/tre-em-cung-bi-tram-cam-vi-sao-20250114080857079.htm 

  • Từ khóa

Thực phẩm siêu chế biến có thể khiến trẻ em bị hô răng

Thực phẩm siêu chế biến có thể khiến trẻ em bị hô răng, các nhà nghiên cứu cảnh báo.
11:50 - 15/01/2025
20 lượt xem

Cúm mùa tăng nhanh dịp cận Tết

Các chuyên gia cảnh báo theo dự báo năm nay Tết Nguyên đán thời tiết sẽ tiếp tục lạnh. Vì vậy người dân cần cẩn trọng không để nhiễm bệnh, lây bệnh trong...
10:10 - 15/01/2025
66 lượt xem

4 dấu hiệu cảnh báo sớm đau tim ở người lớn tuổi

Với người lớn tuổi thì đau tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất. Triệu chứng ở người lớn tuổi đôi khi không rõ ràng, dễ bị bỏ qua...
07:55 - 15/01/2025
108 lượt xem

Việt Nam sẽ thực hiện ghép dương vật

Với 21 ca ghép tạng thành công chỉ trong 6 ngày, các bác sĩ Việt Nam đang sẵn sàng cho các ca ghép chưa từng thực hiện như ghép dương vật, tử cung,...
15:25 - 14/01/2025
508 lượt xem

Đề xuất phạt đến 2 triệu đồng hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành...
13:55 - 14/01/2025
573 lượt xem