190
/
173060
Bệnh nhân bảo hiểm y tế mắc bệnh nào có thể lên thẳng tuyến trên?
benh-nhan-bao-hiem-y-te-mac-benh-nao-co-the-len-thang-tuyen-tren
news

Bệnh nhân bảo hiểm y tế mắc bệnh nào có thể lên thẳng tuyến trên?

Thứ 6, 29/11/2024 | 14:15:00
125 lượt xem

Tại Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã quy định một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không cần xin giấy chuyển viện.

Bệnh nhân bảo hiểm y tế mắc bệnh nào có thể lên thẳng tuyến trên? - Ảnh 1.

Bệnh nhân thanh toán BHYT tại bệnh viện - Ảnh minh họa: HÀ QUÂN

Đây là quy định người dân rất mong chờ bởi giảm thủ tục hành chính, thuận lợi cho người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Vậy những bệnh nào sẽ được chuyển đến cấp chuyên môn cao hơn, khi nào sẽ áp dụng quy định này?

Người bệnh băn khoăn

Theo quy định hiện hành, người bệnh BHYT khi khám, chữa bệnh nếu cần chuyển lên tuyến trên đều phải xin giấy chuyển viện. Thông thường, việc này chỉ được cho phép khi bệnh lý đó vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới.

Tuy nhiên thực tế bệnh hiếm, bệnh khó bệnh viện tuyến dưới không chữa được nhưng người bệnh vẫn phải chuyển tuyến tuần tự, mất nhiều thời gian đi lại và khó khăn với người bệnh.

Để giảm bớt phiền hà chuyển tuyến, Bộ Y tế cho biết đã ban hành danh mục gồm 62 bệnh, nhóm bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 1 năm 1 lần như bệnh lao (các loại), bệnh phong, đa hồng cầu, một số loại bệnh ung thư điều trị dài ngày, rối loạn đông máu, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, suy tim, hen phế quản...

Được chẩn đoán mắc xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch cách đây 2 tháng, chị Dương Huệ (33 tuổi, Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu trung ương. Ban đầu chị Huệ khám tại một bệnh viện tuyến huyện, sau đó xin chuyển tuyến.

Theo tìm hiểu, chị được biết bệnh của mình nằm trong danh mục bệnh có thể xin chuyển viện 1 năm 1 lần.

"Vì còn 1 tháng nữa đã hết năm nên tôi chưa xin chuyển viện năm nay mà đang dự tính sẽ đợi đến hết năm dương lịch sẽ chuyển tuyến. Khi được biết thông tin từ năm sau một số bệnh hiếm, hiểm nghèo sẽ không cần phải xin giấy chuyển viện nữa tôi rất vui.

Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn trường hợp tôi đã chẩn đoán bệnh và đang điều trị tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu trung ương, như vậy có cần làm thủ tục gì nữa không hay có thể đến thẳng bệnh viện để khám, chữa bệnh BHYT. Hy vọng sẽ sớm có hướng dẫn để người bệnh như chúng tôi có thể thuận tiện hơn, tránh phiền nhiễu vất vả", chị Huệ chia sẻ.

Bà Hoa (50 tuổi, Hà Nam) cũng đã mắc viêm gan tự miễn 5 năm nay, năm nào bà cũng phải xin giấy chuyển viện để lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Bà nói đối với bệnh nhân mạn tính phải điều trị nhiều năm, nhưng năm nào cũng phải xin giấy để chuyển viện rất phiền hà. Quy định mới này mong rằng sẽ giúp người bệnh không cần chạy đi chạy lại xin giấy nhiều lần.

Rất nhiều người bệnh khác cũng có băn khoăn khi luật đưa vào thực hiện sẽ như thế nào và hy vọng khi có hướng dẫn, danh mục bệnh để người bệnh thuận lợi khi khám, chữa bệnh BHYT, không bị gây khó khăn.

Sẽ xây dựng danh mục bệnh cụ thể

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Vũ Nữ Anh - phó vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - cho hay dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vừa được thông qua quy định trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... bệnh nhân được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không cần xin giấy chuyển viện và vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT.

Trong đó danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo của Bộ Y tế bao gồm 42 bệnh, nhóm bệnh. 

Bà Nữ Anh giải thích với quy định này, người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế sẽ ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay.

"Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện. Danh mục này phải được tính toán phù hợp, tránh người dân đổ dồn lên tuyến cuối gây quá tải. Thông tư dự kiến có hiệu lực vào 1-1-2025", bà Anh chia sẻ.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bệnh viện K cho hay danh mục bệnh được miễn giấy chuyển viện cần được tính toán kỹ. Bên cạnh đó Bộ Y tế cần có thông tư hướng dẫn kỹ về quy định chuyển viện để người bệnh và bệnh viện có thể áp dụng dễ dàng.

"Nếu bệnh nhân ung thư nào cũng lên thẳng tuyến cuối thì bệnh viện tuyến cuối sẽ quá tải. Vì vậy cần có danh mục, quy định rõ ràng các điều kiện chuyển viện để khi luật có hiệu lực sẽ thực hiện được", vị lãnh đạo bệnh viện chia sẻ.

Một lãnh đạo bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội cũng cho rằng danh mục bệnh không cần giấy chuyển tuyến cũng cần được tính toán kỹ. Có thể với những bệnh nhân đã được chuyển tuyến 1 năm 1 lần không cần xin giấy chuyển viện. Bên cạnh đó, với những bệnh nhân đã điều trị ổn định sẽ được đưa về y tế tuyến dưới để điều trị tiếp.

Nhiều quy định mới, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT

Luật BHYT sửa đổi sẽ có hiệu lực từ năm 2025 tới đã mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT, trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi.

Quy định xóa bỏ địa giới hành chính khi khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Luật quy định quyền của người có thẻ BHYT trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và cấp cơ bản.

Bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế.

Bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng BHYT và các biện pháp xử lý đối với các trường hợp này. Bổ sung quy định về cấp thẻ BHYT điện tử, quy định kiểm toán nhà nước kiểm toán báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHYT của cơ quan bảo hiểm xã hội hằng năm để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo Dương Liễu/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/benh-nhan-bao-hiem-y-te-mac-benh-nao-co-the-len-thang-tuyen-tren-20241128225801212.htm

  • Từ khóa

Chàng trai 20 tuổi hiến tạng, hai bệnh viện thần tốc phối hợp cứu người

Nam thanh niên 20 tuổi không may gặp tai nạn giao thông, được chẩn đoán chết não, gia đình đã đồng ý hiến tạng cứu người. Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh...
11:18 - 29/11/2024
186 lượt xem

5 thói quen hằng ngày làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng

Ung thư miệng có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng, chẳng hạn như môi, nướu, lưỡi hay vòm miệng. Một số thói quen hằng ngày sẽ làm...
08:20 - 29/11/2024
268 lượt xem

Vụ gần 300 ca ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu: Bộ Y tế chỉ đạo truy xuất tận gốc

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân và truy xuất tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ.
15:59 - 28/11/2024
676 lượt xem

Vì sao một số người ăn nhiều nhưng vẫn gầy?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của một người như đặc điểm tạng người dễ tích mỡ hay khó tích mỡ, tỉ lệ trao đổi chất cơ bản, một số bệnh lý di...
14:31 - 28/11/2024
680 lượt xem

7 cách có thể giảm mỡ bụng trong 10 ngày

Nếu bạn đang hướng tới một vòng eo thon gọn hơn và giảm mỡ bụng, việc thực hiện những thay đổi đơn giản trong thói quen hằng ngày có thể tạo ra sự khác...
13:54 - 28/11/2024
716 lượt xem