Nỗi lo sợ về đột quỵ và các biến chứng nên nhiều người đã rủ nhau tiêm thuốc phòng đột quỵ, mà không biết thuốc này chỉ nên dùng ở người từng bị đột quỵ. Thuốc dễ gây phản ứng hại sức khỏe, nên phòng ngừa đột quỵ bằng lối sống.
Cứ 40 giây lại có 1 ca đột quỵ xảy ra, và cứ 4 phút có một người chết vì đột quỵ - Ảnh BVCC
Sợ đột quỵ, già và trẻ đều tiêm
Bà Nguyễn Thị Phương (65 tuổi, Hà Nội) cho biết bà bị huyết áp cao, nên khi trong nhóm tập thể dục mách nhau có loại thuốc tiêm để phòng ngừa đột quỵ, bà và nhiều chị em khác đều đăng ký và nhờ người đến tiêm.
Đặc biệt, nhiều người không chỉ đăng ký cho mình mà cả cho chồng, con. Bởi cứ nghe nói đến đột quỵ là ai cũng sợ. Có thuốc để phòng thì tốt quá...
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Nghệ An) mới 30 tuổi nhưng thấy nhiều người trẻ khỏe, kể cả bạn bè của anh cũng nhiều người đột quỵ, nên khi vợ anh hay bị đau đầu tiêm thuốc bổ não lại được tư vấn tiêm thuốc phòng đột quỵ, vợ chồng anh tiêm cho mình và ông bà hai bên.
Thực tế đột quỵ dạng tai biến mạch máu não là bệnh có thể gây tử vong nhanh, có tỉ lệ tử vong cao, đứng hàng đầu trong các bệnh lý ở hệ thần kinh, là nguyên nhân gây tử vong thứ ba chỉ sau bệnh ung thư và các bệnh lý tim mạch.
Chỉ cần nghe tin 40 giây thế giới lại có 1 ca đột quỵ xảy ra, và cứ 4 phút có một người chết vì đột quỵ là ai cũng muốn tiêm phòng ngừa.
Đặc biệt nhiều người tiêm không phải sợ chết, mà sợ đột quỵ khiến nằm liệt giường và gặp các biến chứng của đột quỵ như rối loạn giấc ngủ, lú lẫn, trầm cảm, cơ tròn không tự chủ, xẹp phổi, viêm phổi và rối loạn nuốt, có thể dẫn đến sặc, mất nước, hoặc thiếu dinh dưỡng.
Bất động thời gian dài có thể dẫn đến bệnh lý huyết khối tắc mạch, suy kiệt, mất khối cơ, nhiễm trùng tiết niệu, loét tì đè và co cứng cơ...
Chính vì vậy, nhiều người dân mách nhau đi tiêm truyền hai loại thuốc "phòng đột quỵ", nhất là thuốc tên C. và L..
Chỉ định cho những người có nguy cơ cao vì nhiều phản ứng
Trao đổi về vấn đề này, ThS Lê Quốc Thịnh, giảng viên khoa dược Đại học Thành Đô, cho biết đột quỵ não, còn được gọi là "đứt gãy mạch máu não", có dấu hiệu thường bao gồm mất cảm giác hoặc sức mạnh ở một bên cơ thể, khó nói, mất thăng bằng, mờ thị lực và đau đầu nghiêm trọng.
Đột quỵ có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng cho não và ảnh hưởng đến chức năng cơ bản. Việc sử dụng thuốc ngừa có thể giảm nguy cơ, nhưng không phải ai cũng dùng được, phải theo chỉ định của bác sĩ.
Theo chuyên gia, C. là loại thuốc có tác dụng tăng cường tuần hoàn não, tốt cho người lớn tuổi. L. là thuốc chiết xuất từ cây tam thất, thường được chỉ định dùng cho những người đã bị đột quỵ để hỗ trợ tan huyết khối.
Hai loại thuốc trên không có tác dụng để ổn định hạ huyết áp và phòng ngừa đột quỵ.
ThS Thịnh phân tích L. là thuốc có nguồn gốc thảo dược và động vật dùng để chống thiếu máu não, giảm tỉ lệ đột quỵ gây ra bởi tổn thương do hiện tượng tưới máu lại vùng não bị thiếu máu.
Nó cũng có tác dụng làm giảm phù não và giảm nồng độ canxi trong mô não bị thiếu máu, tăng cường dòng máu não - tim, gây giãn mạch máu não - tim, cải thiện huyết động học. Vì vậy nó góp phần ức chế sự tạo huyết khối (tỉ lệ ức chế đạt 92,1%), cho nên có tác dụng đề phòng đột quỵ ở những người có nguy cơ cao.
L. được dùng để dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân có nguy cơ cao như bệnh nhân tiểu đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, cao huyết áp...
Còn C. là thuốc được sản xuất từ protein não lợn đã được tinh chế có tác dụng bổ não và điều trị đột quỵ do chảy máu, thiếu máu cục bộ. C. thường dùng cho người bị rối loạn trí nhớ, người vừa bị chấn thương, trải qua phẫu thuật, chấn động mạch, phẫu thuật thần kinh, nhất là người bị sa sút trí tuệ.
Trong thành phần của ống tiêm C. còn có chất ổn định là sodium hydroxide có thể gây sưng đau tại vị trí tiêm. Ngoài ra với bản chất của thuốc C. làm cho bệnh nhân có cảm giác nóng vùng tiêm nếu tiêm quá nhanh.
Tiêm C. có thể xảy ra tác dụng không mong muốn. Một số tác dụng không mong muốn như run, đau đầu, tăng thân nhiệt nhẹ, nên chú ý theo dõi nếu có xảy ra và nên báo trước cho bệnh nhân để lưu ý.
Do vậy khi có biểu hiện những triệu chứng bất thường, đặc biệt là khi xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với những dấu hiệu kèm theo như chóng mặt nghiêm trọng, khó thở, phát ban, lo âu, suy giảm nhận thức, suy hô hấp và hôn mê, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ, điều dưỡng để được can thiệp y tế ngay lập tức.
ThS Thịnh khuyên người dân tuyệt đối không tự ý lạm dụng thuốc quá lâu trong thời gian dài. Điều này không làm tình trạng bệnh của bệnh nhân được tiến triển tốt hơn, mà còn làm tăng nguy cơ mắc phải những tác dụng không mong muốn.
Đặc biệt, không nên tiêm các loại thuốc này tại nhà, mà chỉ tiêm khi có chỉ định của thầy thuốc và thực hiện tiêm đúng cách tại cơ sở y tế có phương tiện cấp cứu chống sốc hoặc phản ứng dị ứng có thể xảy ra.
Thay đổi lối sống lành mạnh, tập thể dục hằng ngày để phòng ngừa đột quỵ - Ảnh minh họa
Phòng ngừa bằng lối sống
Theo bác sĩ Diệp Trọng Khải - trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, đột quỵ chỉ có thể dự phòng bằng cách kiểm soát tốt các bệnh lý nền và thay đổi lối sống như tăng cường tập thể dục, giảm cân, tránh thức khuya, hạn chế căng thẳng.
Theo đó, chế độ ăn lành mạnh cần tăng cường bổ sung rau xanh, ăn ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế thức ăn chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ uống có gas, cai thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia.
Khi người bệnh đã thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện thể dục nhưng không hiệu quả thì bác sĩ mới chỉ định dùng thuốc.
Trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao gặp triệu chứng hẹp động mạch, bác sĩ sẽ chỉ định nong dự phòng đột quỵ hoặc đặt stent.
Cách phòng ngừa đột quỵ không dùng thuốc Xây dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ. Để tránh nguy cơ đột quỵ, cần lưu ý: Nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya và ngủ quá ít. Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung rau củ quả và các loại trái cây. Hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều muối hoặc đường. Nên ưu tiên thực phẩm tự nấu thay vì các loại thực phẩm chế biến sẵn. Tập thể dục 20 - 30 phút mỗi ngày. Có thể đi bộ, chạy bộ, tập yoga… Hạn chế căng thẳng, stress, áp lực kéo dài. Nên chủ động thư giãn bằng cách nghe nhạc, đạp xe, trồng cây… hoặc các hoạt động mà bạn yêu thích. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích. Kiểm soát cholesterol, ổn định huyết áp và điều trị các bệnh liên quan. Thăm khám, tầm soát sức khỏe định kỳ. Đặc biệt nên chủ động tầm soát đột quỵ. Rất nhiều trường hợp đã bị đột quỵ do tắm đêm. Đặc biệt với người có sẵn những bệnh lý nền kể trên, việc tắm vào buổi đêm dễ gây thay đổi nhiệt độ khiến tăng tình trạng tăng huyết áp, làm vỡ các mạch não xơ vữa, co thắt mạch não, nhồi máu cơ tim, do đó với những người đang có nguy cơ, việc tắm đêm là rất nguy hiểm. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ro-phong-trao-tiem-thuoc-phong-dot-quy-can-than-thuoc-phan-ung-nen-phong-bang-loi-song-20241003083643759.htm