Trẻ nhỏ với đường hô hấp mỏng manh và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bạch hầu và ho gà. Tiêm ngừa là cách cung cấp miễn dịch đặc hiệu, giúp trẻ phòng bệnh hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, số ca bạch hầu và ho gà liên tục tăng. Các chuyên gia truyền nhiễm cảnh báo nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời, đối tượng trẻ em rất dễ bị tấn công và có thể gặp biến chứng nặng khi mắc bệnh.
Trẻ mắc bạch hầu, ho gà dễ trở nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Biến chứng ho gà
Các chuyên gia dịch tễ cho biết dịch ho gà có tính chu kỳ khoảng 3-5 năm. Năm 2024 rơi vào chu kỳ của bệnh khi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ghi nhận nhiều ca mắc. Cụ thể các nước lân cận như Thái Lan, Philippines đã phát hiện hàng nghìn ca mắc và hàng chục ca tử vong. Tại Philippines, theo thống kê từ tháng 4.2024, nước này có hơn 1.100 ca mắc, 60% trẻ dưới 6 tháng tuổi và 54 ca tử vong đều là trẻ dưới 5 tuổi.
Tại nước ta, theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, số ca mắc ho gà tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, có nhiều trẻ bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, nhập viện. Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận và điều trị gần 400 trẻ mắc ho gà từ đầu năm đến hết tháng 7.2024
Trẻ càng nhỏ tuổi, mắc bệnh càng nguy hiểm. Khoảng 90% số ca mắc là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ phác đồ. Trong đó, đối tượng tử vong tập trung ở nhóm trẻ chưa được chủng ngừa hoặc chủng ngừa không đầy đủ.
Khoảng 90% số ca mắc và tử vong do ho gà là trẻ dưới 1 tuổi ẢNH: PBS
Bệnh lây truyền nhanh qua đường hô hấp, một người có thể lây cho 12-17 người chưa có kháng thể. Khoảng 90% người tiếp xúc với bệnh nhân Ho gà trong cùng hộ gia đình sẽ nhiễm bệnh. Nghiên cứu của các nhà khoa học Ý từ năm 2013 công bố trên tạp chí BMC Infectious Diseases (tạm dịch Bệnh truyền nhiễm BMC) đã chỉ ra trẻ em dưới 6 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao gấp 20 lần so với tổng dân số.
Trẻ mắc ho gà dễ dẫn đến các biến chứng hô hấp, thần kinh và một số cơ quan khác như viêm phế quản, ngừng thở, sa trực tràng, thoát vị trực tràng, vỡ phế nang, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi và bệnh lý não. Dù qua khỏi, các cơn ho vẫn có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng khiến trẻ ăn uống kém, suy dinh dưỡng dẫn đến trẻ thấp còi, kém hoạt bát như bạn đồng trang lứa.
Biến chứng bạch hầu
Năm 2023, cả nước ghi nhận hàng chục ca mắc bạch hầu và 7 ca tử vong . Tính đến tuần đầu tháng 8.2024, cả nước ghi nhận 9 ca mắc bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong ở người không rõ lịch sử tiêm ngừa. Các ca bệnh đều không có lịch sử tiêm chủng rõ ràng.
Các chuyên gia truyền nhiễm cho biết bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, vừa gây nhiễm trùng, vừa nhiễm độc.
Bệnh đặc trưng với lớp giả mạc ở hầu họng. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Lớp giả mạc gây khó thở, khó nuốt. Trường hợp bệnh nặng thường có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt cơ hoành gây viêm phổi suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong. Trong đó, bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em, gây nhiễm trùng do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu. Với đường hô hấp nhỏ, khi lớp giả mạc phồng to gây tắc đường thở, trẻ có thể tử vong nhanh chóng. Trẻ mắc bạch hầu dưới 5 tuổi có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 20%. Ngoài ra, khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong.
Cách phòng bệnh
Vắc-xin là biện pháp giúp sinh miễn dịch đặc hiệu với bệnh một cách an toàn, hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí điều trị. Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh, người chăm sóc cần chú ý tiêm ngừa cho trẻ các loại như vắc-xin 6 trong 1 hoặc vắc-xin 5 trong 1 khi đủ tháng tuổi cũng như tiêm nhắc cho các lứa tuổi lớn hơn để bảo vệ toàn diện cho cả gia đình.
Trẻ cần tiêm ngừa đủ liều, đúng lịch, kể cả lịch tiêm nhắc để được bảo vệ toàn diện ẢNH: SHUTTERSTOCK
- Với trẻ dưới 2 tuổi: Cần 4 mũi tiêm vào thời điểm: Mũi 1 ( 2 tháng tuổi), mũi 2 ( 3 tháng tuổi), mũi 3 ( 4 tháng tuổi) và mũi 4 (16-18 tháng tuổi và cần hoàn tất trước khi trẻ tròn 2 tuổi). Tại Việt Nam, có vắc-xin 6 trong 1 hoặc vắc-xin 5 trong 1 có thành phần giúp phòng ngừa ho gà và bạch hầu.
- Trẻ tiền học đường (4-6 tuổi) : 1 mũi tiêm nhắc.
- Thanh thiếu niên (9-15 tuổi ) : 1 mũi tiêm nhắc.
- Người lớn : tiêm nhắc mỗi 10 năm.
- Phụ nữ mang thai cũng cần tiêm vắc-xin có thành phần ngừa ho gà giúp bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ và giai đoạn sơ sinh khi bé chưa đến tuổi tiêm ngừa.
Các thành viên trong gia đình cũng cần tiêm ngừa để bảo vệ cho cả nhà ẢNH: SHUTTERSTOCK
Các chuyên gia lưu ý thêm, ba mẹ hãy tham vấn bác sĩ khi đưa con đi tiêm chủng và quan trọng là cần tiêm đủ liều và đúng lịch cho con và đừng quên tiêm nhắc để bảo vệ người thân trong gia đình khỏi ho gà và bạch hầu.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh khác như giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh vùng mũi họng; đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người; không tiếp xúc với người nghi nhiễm và đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị khi có dấu hiệu bệnh.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/bach-hau-ho-ga-benh-ho-hap-rinh-rap-tre-nho-dau-la-giai-phap-phong-ngua-18524092517082168.htm