Nếu ngồi lâu mà chân có dấu hiệu bị sưng phù thì thường là có liên quan đến bệnh tiềm ẩn. Sưng phù chân xảy ra do chất lỏng dư thừa tích tụ trong các tế bào và mô của bàn chân. Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, đau đớn và khó khăn khi đi lại.
Sưng phù chân sau khi ngồi lâu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu phát hiện mắc tình trạng này thì người bệnh cần đến bác sĩ khám càng sớm càng tốt, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Sưng phù chân sau khi ngồi một chỗ trong thời gian dài có thể là dấu hiệu của cục máu đông ẢNH MINH HỌA: PEXELS
Chân sưng phù sau khi ngồi lâu có thể do những nguyên nhân sau:
Lưu thông máu kém
Khi bạn ngồi liên tục trong thời gian dài, đặc biệt là ở những tư thế gây sức ép nhiều lên chân, sẽ làm cản trở lưu thông máu trở về tim. Tuần hoàn máu kém có thể khiến máu tích tụ trong các tĩnh mạch ở chân và bàn chân, làm tăng áp lực trong tĩnh mạch. Hệ quả là khiến sưng phù chân.
Ăn quá nhiều muối
Ăn quá nhiều muối sẽ khiến cơ thể giữ lại nước. Việc ngồi liên tục trong nhiều giờ sẽ khiến chất lỏng trong cơ thể bị trọng lực tác động và tích tụ xuống phần dưới của cơ thể, gây sưng phù chân và bàn chân.
Bệnh tim
Các bệnh về tim, chẳng hạn như suy tim sung huyết, có thể ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu của tim. Khi chức năng bơm máu của tim suy yếu, chất lỏng có thể tích tụ ở chân và bàn chân, gây sưng phù.
Bệnh thận
Thận đóng vai trò quan trọng giúp cân bằng chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể. Bệnh thận sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng này, dẫn đến tình trạng giữ nước, gây sưng ở bàn chân và mắt cá chân. Chân sẽ dễ sưng phù hơn khi ngồi trong thời gian dài.
Bệnh gan
Các bệnh về gan như xơ gan có thể dẫn đến giảm sản xuất albumin, một chất quan trọng để duy trì huyết áp và điều hòa chất lỏng trong mạch máu. Nồng độ albumin sụt giảm có thể khiến chất lỏng rò rỉ vào các tế bào và mô xung quanh, gây sưng phù chân.
Cục máu đông
Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng nghiêm trọng khi cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu của chân. Các cục máu đông làm tắc nghẽn lưu thông máu và gây sưng phù chân. Thói quen ngồi liên tục suốt nhiều giờ có thể gây huyết khối tĩnh mạch sâu. Một trong những triệu chứng thường thấy của bệnh là sưng phù chân.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng viêm có steroid và không steroid, có thể gây sưng bàn chân và cẳng chân. Vì các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến chức năng cân bằng chất lỏng của thận, theo Medical News Today (Anh).
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/dau-hieu-xuat-hien-khi-ngoi-lau-canh-bao-suc-khoe-bat-on-185240920132345559.htm