Gần 70 học sinh tại xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn phải nhập viện cùng triệu chứng nôn, sốt, tiêu chảy.
Bệnh nhi ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho thấy nguyên nhân là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do vi khuẩn tụ cầu vàng (S.aureus).
Khi vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập
Cách đây không lâu, tại một trường tiểu học ở Hà Nội, hơn 70 học sinh cũng nhập viện với biểu hiện nôn, sốt, đau bụng, đau đầu, tiêu chảy sau khi dùng bữa trưa trong chuyến đi dã ngoại.
Qua kết quả xét nghiệm cho thấy nguyên nhân là do thịt gà nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Tương tự, 76 học sinh Trường mầm non Thuận Sơn, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, bị ngộ độc là do sữa chua nhiễm vi khuẩn S.aureus.
Các chuyên gia cho hay tụ cầu là vi khuẩn phổ biến, có thể ở trong không khí, đất, nước, trong niêm dịch mũi, trong khoang miệng và họng của người cũng như động vật, trên da và các mụn ghẻ lở, mưng mủ.
Theo bác sĩ Vi Thị Chuyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn, không thể nhận biết thực phẩm nhiễm tụ cầu bằng cảm quan, vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.
Bên cạnh đó, con người rất nhạy cảm với độc tố của tụ cầu vàng, có tới 90% số người ăn thức ăn nhiễm khuẩn bị ngộ độc.
Theo bác sĩ Chuyên, khi ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng, bệnh phát sau khi ăn khoảng 1-6 giờ, tùy thuộc lượng độc tố có trong thức ăn. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường là lợm giọng, bụng quặn đau, nôn mửa dữ dội, tiêu chảy, mệt mỏi rã rời. Thậm chí có người bị nhức đầu, ra mồ hôi, co giật cơ, huyết áp hạ, mạch yếu...
Độc tố tụ cầu vàng có nguy hiểm?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phùng Mạnh Thắng - trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết vi khuẩn tụ cầu vàng tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau, nhất là trên da. Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch vi khuẩn sẽ xâm nhập hoặc nhiễm khuẩn qua đường ăn uống do thức ăn bị ôi thiu, chế biến không đảm bảo vệ sinh sẽ dẫn đến ngộ độc.
Bác sĩ Thắng lưu ý sau bão lụt chú ý đến các nguy cơ khác như tả, lỵ, thương hàn có nguy cơ bùng phát sau lũ. Việc vệ sinh nguồn nước sau lũ rất quan trọng để phòng chống nguy cơ bị ngộ độc.
Theo bác sĩ Chuyên, thông thường những người khỏe mạnh nhiễm tụ cầu vàng sẽ hồi phục nhanh chóng khi được bù nước đầy đủ và nghỉ ngơi đầy đủ. Tỉ lệ tử vong không cao. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ, người già yếu suy kiệt hoặc người có hệ miễn dịch kém do mất nước điện giải nặng nếu không được chăm sóc, điều trị phù hợp có thể chuyển nặng, thậm chí tử vong.
Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, khả năng nhiễm vào thực phẩm và gây bệnh của tụ cầu vàng rất lớn, do chúng phân bố ở khắp nơi, có khả năng sinh độc tố. Độc tố có tính chịu nhiệt độ cao (ở 1000C phải cần 1-2 giờ mới phá hủy), nhiệt độ thấp độc tố của tụ cầu vàng có thể duy trì được tính độc trên 2 tháng và độc tố này không làm thay đổi mùi vị của thức ăn.
Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm và sự lây lan của vi khuẩn tụ cầu vàng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo người dân cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong đó đặc biệt không nên uống sữa chưa tiệt trùng bởi tụ cầu vàng thường xuất hiện ở vú bò sữa bị viêm. Giữ gìn vệ sinh như rửa tay và móng tay với xà phòng trước khi nấu ăn, ăn hoặc phục vụ thức ăn. Khu vực nấu ăn cần được đảm bảo vệ sinh, khô ráo.
Thực phẩm nào dễ nhiễm khuẩn tụ cầu vàng? Vi khuẩn có thể nhân lên nhanh chóng nếu để ở nhiệt độ phòng hoặc trong khoảng nhiệt độ từ 4˚C đến 60˚C. Do đó nên bảo quản thực phẩm nóng ở nhiệt độ trên 60˚C và thực phẩm lạnh dưới 4˚C. Bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong các hộp đựng nông, rộng và cho vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ (hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ bên ngoài nóng hơn 32˚C). Đeo găng tay khi chế biến thức ăn nếu bạn có vết thương hoặc nhiễm trùng trên tay hoặc cổ tay. Đặc biệt với những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất như sữa, thịt băm, thịt gia súc, gia cầm, tất cả chất đạm (có thể chế biến nấu nướng)…, khi những thực phẩm này không được bảo quản hoặc bảo quản không đúng cách, để bị ôi thiu dễ nhiễm tụ cầu vàng. |
Độc tố tụ cầu vàng không chỉ gây ngộ độc thực phẩm Bên cạnh gây ngộ độc, tụ cầu vàng còn có thể gây các bệnh mụn nhọt, chốc đầu, lở loét da, áp xe, nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Theo thạc sĩ Ngô Tiến Đông, khoa điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi trung ương, nhiễm khuẩn huyết tụ cầu vàng là do các vi khuẩn tụ cầu, các loại vi trùng được phát hiện trên da hoặc trên mũi, có thể xuất hiện trên cơ thể người khỏe mạnh. Thông thường các vi khuẩn này nằm trên da sẽ không gây bệnh hoặc chỉ gây ra các vấn đề nhiễm trùng da tương đối nhỏ. Tuy nhiên, nhiễm khuẩn do tụ cầu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, các di chứng nặng nề nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn huyết tụ cầu là do vi trùng xâm nhập vào cơ thể thông qua những nốt mụn nhọt ngoài da, những vết cắt hoặc vết thương khác trên vùng da lành... Chúng tiết ra các chất độc hại đối với cơ thể, dẫn đến các ổ viêm mủ ở nhiều cơ quan như phổi (viêm phổi hoại tử, viêm mủ màng phổi...), tim (viêm mủ màng tim, viêm trong buồng tim), xương khớp (viêm mủ ở cơ, viêm mủ trong xương gây hoại tử xương), rối loạn đông máu gây tắc mạch chi mạch phổi hoặc gây chảy máu khó cầm nhiều cơ quan, áp xe thận suy thận… Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu ở trẻ em được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều di chứng. Để phòng tránh nhiễm khuẩn, các bậc phụ huynh cần giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, mặc thoáng cho trẻ, tránh để mồ hôi vì đây là điều kiện thuận lợi để tụ cầu phát triển và gây bệnh. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tu-cau-vang-gay-ngo-doc-ra-sao-20240924003440357.htm