190
/
169576
Cách phòng tránh các dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ
cach-phong-tranh-cac-dich-benh-co-the-xay-ra-sau-mua-lu
news

Cách phòng tránh các dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ

Thứ 6, 13/09/2024 | 15:25:00
1,949 lượt xem

Trong và sau mưa lũ, rất nhiều vi sinh vật, rác, chất thải… theo dòng nước tràn nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Cách phòng tránh các dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ- Ảnh 1.

Nếu bắt buộc phải di chuyển qua đường ngập, người dân cần chuẩn bị giày chống thấm, ủng và găng tay để bảo vệ cơ thể - Ảnh: VGP/HM

 Nguy cơ dịch bệnh sau mưa lũ

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, sau mưa bão, lũ lụt, rất nhiều vi sinh vật, chất thải trôi theo dòng nước gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, đau mắt đỏ...

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, người dân ở những vùng bị ảnh hưởng do mưa, lũ rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do nguồn nước, thực phẩm, điều kiện vệ sinh không bảo đảm.

Các bệnh thường gặp như nước ăn chân, các bệnh lý da liễu khác, cảm lạnh, cúm, đau mắt… Cũng do môi trường ẩm ướt, nước tù đọng ở các vật dụng nên sinh sản nhiều muỗi, vì vậy bệnh sốt xuất huyết rất dễ lây lan.

Các bác sĩ da liễu cũng lưu ý người dân phòng các bệnh về da như ghẻ, nấm da sau khi tiếp xúc với nước bẩn. Người dân nên rửa ngay bằng nước sạch, đặc biệt chú ý vệ sinh kỹ vùng kẽ ngón chân, kẽ ngón tay - những nơi dễ đọng nước và bụi bẩn.

Đồng thời, bảo đảm rửa sạch và lau khô hoàn toàn, tránh tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Ngoài ra, không nên sử dụng các vật dụng như giày dép, quần áo khi còn ẩm. Tất cả vật dụng này cần được phơi nắng hoặc sấy khô hoàn toàn trước khi sử dụng, hạn chế tiếp xúc lâu dài với môi trường nước.

Nếu bắt buộc phải di chuyển trong trời mưa hoặc qua đường ngập, cần chuẩn bị sẵn áo mưa, giày chống thấm, ủng và găng tay để bảo vệ cơ thể.

Cách phòng tránh các dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ- Ảnh 2.

Sau mua lũ, ngập lụt, các chuyên gia y tế cảnh báo ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh - Ảnh: VGP/HM

 Biện pháp chủ động phòng bệnh

Hiện tại, ngành Y tế Hà Nội đã thành lập các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng đáp ứng các tình huống có thể xảy ra. Sở Y tế Thủ đô cũng đã chỉ đạo các đơn vị điều tra, lập danh sách các điểm có nguy cơ ngập lụt để xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, chuẩn bị cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ và các hóa chất (Cloramin B, phèn chua…) để xử lý nguồn nước, môi trường.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cũng có cảnh báo, để phòng bệnh sau mưa lũ, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngăn vi khuẩn, virus tấn công cơ thể; tránh dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng vì đây là các điểm dễ nhiễm khuẩn, dùng khăn sạch lau mồ hôi và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.

Đặc biệt, sau khi xảy ra lũ, lụt, thường xuyên để mắt đến trẻ em, không để trẻ em nghịch nước tại các nơi như cống thoát nước mưa, khe núi hoặc cống rãnh.

Khi trở lại ngôi nhà bị hư hỏng do lũ, lụt, người dân cần ngắt điện ở hộp cầu chì, aptomat hoặc cầu dao chính cho đến khi ngôi nhà của mình được làm khô an toàn; kiểm tra hệ thống gas; kiểm tra và tìm các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ; kiểm tra sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ và tường có vết nứt hoặc các hư hỏng khác, để đảm bảo ngôi nhà không có nguy cơ bị sập…

Yêu cầu về an toàn thực phẩm

Trong công văn gửi các địa phương về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như lương khô, mì gói, nước uống đóng chai... với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt.

Bộ Y tế cũng đề nghị Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn.

Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như: giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng. Thực hiện ăn chín uống sôi, tránh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, đồng thời tăng cường bổ sung vitamin, nhất là C và E, từ hoa quả và rau củ để cải thiện hệ miễn dịch. Uống đủ nước, giúp cơ thể loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa cảm cúm.

Theo Báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/cach-phong-tranh-cac-dich-benh-co-the-xay-ra-sau-mua-lu-102240913105238489.htm 

  • Từ khóa

Bác sĩ nói gì về ăn cay và các cơn đau tim?

Cuộc tranh luận từ lâu về tác động của ăn cay đối với sức khỏe tim mạch vẫn tiếp diễn. Trong khi một số người tin rằng cách ăn này tốt cho tim, những...
16:56 - 21/11/2024
158 lượt xem

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai do Nhật Bản bào chế

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua đã phê duyệt vaccine LC16m8 phòng bệnh đậu mùa khỉ của công ty dược phẩm KM Biologics (Nhật Bản) bào chế để sử dụng...
14:26 - 21/11/2024
205 lượt xem

'Hay nóng phừng mặt, tim đập nhanh vào buổi chiều', bác sĩ chỉ ra bệnh, cách phòng

Nhiều người ở độ tuổi trung niên thường có biểu hiện nóng phừng mặt, tim đập nhanh vào buổi chiều tối. Nếu không nhận biết và điều trị đúng bệnh, có thể...
13:13 - 21/11/2024
250 lượt xem

Đau đầu ở đâu nói lên điều gì?

Đau đầu là một tình trạng rất phổ biến mà hầu hết mọi người gặp phải nhiều lần trong đời. Các vị trí đau đầu khác nhau phản ánh tình trạng sức khỏe khác...
10:44 - 21/11/2024
331 lượt xem

Phát hiện 'thủ phạm' khiến mọi người khó giảm cân

Các nhà khoa học phát hiện mô mỡ có khả năng 'ghi nhớ' tình trạng béo phì trong quá khứ của một người và sẽ chống lại các nỗ lực giảm cân của người...
07:13 - 21/11/2024
378 lượt xem