Mỗi ngày, một bác sĩ tại khoa dịch kính võng mạc Bệnh viện Mắt TP.HCM đã khám đến 3 - 5 ca bị đột quỵ mắt…
Bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM đang khám mắt cho một bệnh nhân từng bị đột quỵ mắt - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Mắt TP.HCM, đây là một bệnh lý nguy hiểm của mắt với biểu hiện lúc đầu thường là mờ đột ngột một bên mắt.
Bỗng nhiên mù một bên mắt
Ông N.H.L., 68 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, hẹp động mạch cảnh bên phải, bệnh nhân đột ngột bị mù mắt phải.
Bệnh nhân đã đến khám tại một bệnh viện trước đó, được bác sĩ cho khám đáy mắt, phát hiện tắc động mạch trung tâm võng mạc nên chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Đại học Y Dược điều trị.
Tại bệnh viện, khảo sát MRI sọ não các bác sĩ ghi nhận thêm bệnh nhân này có vài ổ tổn thương nhồi máu nhỏ của động mạch não giữa bên trái, hẹp 80% động mạch cảnh trong phải. Sau đó, bệnh nhân được mổ bọc nội mạc ở vị trí mạch máu bị hẹp do mảng xơ vữa. Sau này thị lực có cải thiện được một phần.
Theo các bác sĩ, các trường hợp đột quỵ mắt đến bệnh viện sớm trong vòng 4, 5 giờ tính từ khi khởi phát có thể cân nhắc điều trị bằng thuốc thông mạch.
Đã có một số nghiên cứu cho thấy thị lực hồi phục tốt, nhưng kết quả chưa đồng nhất. Hậu quả lớn nhất của đột quỵ mắt là bệnh nhân bị mất thị lực, về lâu dài thì có nguy cơ đột quỵ tái phát như các trường hợp đột quỵ thông thường.
Bác sĩ Đào Duy Khoa, khoa thần kinh của bệnh viện này, cho hay đột quỵ mắt hay còn gọi là nhồi máu động mạch mắt, tắc động mạch trung tâm võng mạc... là tình trạng động mạch mắt bị tắc nghẽn do cục máu đông, mảng xơ vữa...
Bệnh lý nguy hiểm ở mắt
Bác sĩ CKII Trần Minh Trí, khoa dịch kính võng mạc Bệnh viện Mắt TP.HCM, khẳng định đột quỵ mắt là một trong những bệnh lý nguy hiểm ở mắt.
Đột quỵ mắt bao gồm tắc tĩnh mạch của võng mạc và tắc động mạch của võng mạc, trong đó tắc động mạch sẽ nguy hiểm hơn.
Những trường hợp bị tắc động mạch hầu như sẽ bị mất thị lực và khó hồi phục, còn tắc tĩnh mạch có thể dẫn đến giảm hoặc bị mất thị lực tùy vào vị trí tắc, thời gian bệnh nhân đến bệnh viện điều trị sớm hay muộn.
Trong thực tế, những bệnh nhân ở TP.HCM có điều kiện, quan tâm đến sức khỏe nhiều, khi bị đột quỵ mắt sẽ đến sớm hơn.
Tuy nhiên, cũng phải một vài ngày hoặc 1-2 tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân mới đến bệnh viện điều trị. Còn những bệnh nhân ở xa, ở tỉnh thường đến muộn hơn, khi bệnh đã diễn tiến ở mức độ nặng hơn, khả năng hồi phục khó hơn.
Đối với tắc động mạch võng mạc rất khó hồi phục, chỉ có dưới 10% bệnh nhân hồi phục thị lực mà bệnh nhân có thể cảm nhận được.
Để được điều trị hiệu quả thì bệnh nhân cần đến bệnh viện trong vòng 24 giờ sau khi xảy ra giảm thị lực, còn với những trường hợp tắc tĩnh mạch bệnh nhân có thể đến sau 1 - 2 tuần.
Khi bị đột quỵ mắt bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mờ mắt đột ngột, thường sẽ chỉ xảy ra ở một mắt, không gây đau do vậy cũng khó để bệnh nhân nhận biết một điều gì đó đột ngột và chưa vào bệnh viện ngay.
Như bệnh nhồi máu cơ tim sẽ lên cơn đau thắt ngực nên bệnh nhân sẽ đến cơ sở y tế ngay, còn đối với đột quỵ mắt không có triệu chứng đau, chỉ có mờ, đôi khi bệnh nhân nghĩ đến một bệnh lý khác.
Đối với tắc động mạch võng mạc thị lực gần như chỉ hồi phục sau 1 tuần, còn nếu không sẽ dẫn đến teo võng mạc, teo dây thần kinh thị giác gây mất thị lực vĩnh viễn. Lúc đó, bác sĩ không thể can thiệp thêm.
Còn đối với tắc tĩnh mạch ở giai đoạn đầu bệnh nhân bị phù hoàng điểm, làm mờ mắt, nếu như được điều trị kịp thời trong thời gian này bệnh nhân sẽ được hồi phục thị lực, giảm được những biến chứng.
Nếu đến quá muộn, không được điều trị, bệnh nhân có thể bị phù hoàng điểm nhiều hơn, khi đó đáp ứng với thuốc điều trị kém hơn hoặc có thể xảy ra biến chứng như tạo ra tân mạch dẫn đến xuất huyết dịch kính, gây giảm thị lực nhiều hơn hoặc glôcôm tân mạch gây mất thị lực.
Các bác sĩ khuyên nên phòng ngừa và điều trị tốt các bệnh nền, còn nếu thấy mắt có triệu chứng bất thường nên đi khám sớm để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Những ai dễ bị đột quỵ mắt? Bác sĩ Minh Trí cho hay nguy cơ thường gặp nhất liên quan đến những bất thường của mạch máu toàn thân bao gồm tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng lipid máu... Ngoài ra, còn những yếu tố nguy cơ khác như những bất thường liên quan đến vấn đề tim mạch, ví dụ bệnh van tim, thấp tim, rung nhĩ, bất thường về hệ thống huyết học như loạn tạo máu, loạn protein máu, bệnh nhân bị nhiễm trùng như nhiễm lao, giang mai, mắc bệnh lupus, bệnh nhân sử dụng thuốc ngừa thai lợi tiểu, hoặc do tuổi trên 60 tuổi đối với tắc tĩnh mạch và trên 40 tuổi đối với tắc động mạch. Những trường hợp trên 60 tuổi nguyên nhân thường gặp nhất là tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng lipid máu... Còn đối với người trẻ ngoài những nguyên nhân này còn có thêm những yếu tố khác như viêm, nhiễm trùng, bất thường về hệ thống huyết học... Theo bác sĩ Duy Khoa, xét về khía cạnh nguyên nhân thì đột quỵ mắt có cùng nguyên nhân và cơ chế với đột quỵ nhồi máu não thông thường, chỉ khác là thay vì động mạch nuôi não bị tắc thì trường hợp này là động mạch mắt bị tắc. Do đó nguyên nhân, nguy cơ của đột quỵ mắt tương tự với đột quỵ nhồi máu não. Thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ mắt cũng giống như trường hợp đột quỵ nhồi máu não thông thường, bao gồm thuốc chống cục máu đông, thuốc điều trị các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch... |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/dot-quy-mat-nguy-co-bi-mu-vinh-vien-20240806081843091.htm