Nhiều người bày tỏ lo ngại về nguy cơ sức khoẻ có thể gặp phải sau khi tiêm vắc-xin phòng dại.
Trường hợp vết thương được đánh giá ở độ III (vết thương có chảy máu, có tổn thương lớp thượng bì), cần phối hợp tiêm thêm huyết thanh kháng dại. Ảnh minh họa: ITN
Vắc-xin phòng bệnh dại từ tế bào chuột đã được ngưng sử dụng và thay vào đó là vắc-xin được tinh chế từ tế bào vero, không chứa tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến trí nhớ và sức khỏe.
Trường hợp cần tiêm phòng dại
BS.CKI Nguyễn Lê Nga - Quản lý Y khoa vùng 1, miền Bắc, Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, tiêm phòng bệnh dại là cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi những trường hợp phát bệnh xấu nhất. Mọi người có thể tiêm phòng dại trước phơi nhiễm để cơ thể tránh khỏi sự lây truyền của virus dại hoặc có thể tiêm phòng dại sau phơi nhiễm để ngăn ngừa sự tấn công và di chuyển lên não của virus dại.
Khi bị động vật liếm lên vùng da bị xước, vùng da bị tổn thương hay niêm mạc và động vật xuất hiện triệu chứng dại hoặc không thể theo dõi được tình trạng động vật sau khi liếm, người dân cần tiêm ngay mũi đầu tiên của vắc-xin phòng dại và theo dõi tình trạng động vật sau 10 ngày để đưa ra phác đồ tiêm hợp lý.
Nếu động vật có hiện tượng ốm, có triệu chứng dại và mất tích, cần tiêm đủ liều. Nếu động vật vẫn bình thường, dừng tiêm sau ngày thứ 10. Khi bị động vật cắn, cào sâu, nhiều vết ở vị trí gần thần kinh trung ương hoặc vị trí có nhiều dây thần kinh như bộ phận sinh dục, đầu chi,… cần tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.
Một số trường hợp khác cần tiêm phòng dại là người làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ bị động vật tấn công, hoặc khi tính chất công việc thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với virus dại như nghiên cứu viên xử lý các mẫu bệnh dại tại phòng thí nghiệm, nhân viên nghiên cứu vắc-xin dại,…
Nhiều người bày tỏ lo ngại về nguy cơ sức khoẻ có thể gặp phải sau khi tiêm vắc-xin phòng dại. Tuy nhiên, thực tế, theo BS Nga, tiêm phòng dại không có hại. Vì vắc-xin phòng dại được sản xuất và phát triển từ virus gây bệnh dại đã chết và nó hoàn toàn không có khả năng gây bệnh dại, không gây mất trí nhớ hoặc các vấn đề về thần kinh như lời đồn.
Tuy nhiên, cũng giống như cơ chế hoạt động của bất kỳ loại thuốc và vắc-xin phòng bệnh nào, khi vắc-xin tiêm vào cơ thể có khả năng xảy ra các phản ứng nhẹ. Song, tình trạng này là không đáng lo. Bởi, đây là những dấu hiệu cho biết rằng, cơ thể đang phản ứng lại kích thích của vắc-xin, tạo ra kháng thể chống lại hoạt động của virus gây bệnh dại.
Sau khi tiêm phòng dại, người tiêm có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như: Sưng đỏ và đau nhức tại chỗ tiêm trong vòng từ 24 đến 48 giờ sau tiêm; Phản ứng phụ toàn thân với cái triệu chứng như đau đầu, choáng váng, mệt mỏi, run rẩy, ù tai, khả năng thị lực bị giảm,…
Đôi khi, sau khi tiến hành tiêm phòng vắc-xin liều tăng cường, người tiêm có thể cảm thấy bị sốt cao, đau nhức xương khớp, đau các cơ, phát ban hoặc thậm chí là rối loạn dạ dày và ruột, gây ra tình trạng nôn mửa.
Người sau khi tiêm phòng dại bị sốc phản vệ chiếm tỷ lệ rất hiếm. Nhóm này thường là những người bị suy giảm hệ miễn dịch, cơ thể bị suy nhược, tình trạng sức khỏe không đảm bảo để tiêm chủng.
Để giảm tối đa nguy cơ bị sốc phản vệ sau tiêm, cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể, cải thiện tình trạng hoạt động của hệ miễn dịch. Từ đó, giúp cơ thể có đủ sức khỏe đối đầu với sự hoạt động mạnh mẽ của vắc-xin phòng dại.
Vắc-xin dại được chứng minh an toàn cho hầu hết các nhóm, kể cả trẻ em và phụ nữ có thai. Ảnh minh họa: INT
Phác đồ tiêm phòng dại
BS CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, nhiều trường hợp tử vong do chủ quan không tiêm vắc-xin phòng dại. Đáng chú ý, nhiều quan niệm sai lầm từ xưa như không tiêm vắc-xin dại vì lo ngại ảnh hưởng đến thần kinh, trí nhớ, sức khỏe và tự ý chữa bệnh bằng các phương pháp dân gian chưa được Bộ Y tế công nhận như tự nặn lấy nọc, đắp thuốc nam từ các thầy lang,… khi bị chó, mèo, vật nuôi cắn khiến nhiều người bệnh tử vong trong đau đớn, bất lực.
Theo bác sĩ Chính, hiện nay, vắc-xin được tinh chế từ tế bào vero, không chứa tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến trí nhớ và sức khỏe. Đồng thời, vắc-xin dại thế hệ mới không có chất bảo quản thimerosal, giúp giảm các tác dụng phụ tại chỗ như đau, sưng, sốt cho người tiêm. Vắc-xin dại được chứng minh an toàn cho hầu hết các nhóm, kể cả trẻ em và phụ nữ có thai.
Theo BS.CKI Lê Thị Mỹ Châu - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nếu bị chó mèo cắn, phác đồ của người chưa từng tiêm vắc-xin gồm 4 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da) hoặc 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp).
Trường hợp vết thương được đánh giá ở độ III (vết thương có chảy máu, có tổn thương lớp thượng bì), cần phối hợp tiêm thêm huyết thanh kháng dại. Trường hợp tiêm trước phơi nhiễm, phác đồ tiêm 3 mũi vắc-xin là đã có miễn dịch với bệnh.
Nếu bị chó mèo cắn sau tiêm, dù vết thương nặng, mọi người chỉ cần tiêm ngừa thêm 2 mũi, không cần dùng huyết thanh kháng dại.
Các chuyên gia khẳng định, hiện nay chưa có một bài thuốc Đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại. Việc thực hiện các biện pháp này không có tác dụng. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại.
Theo các chuyên gia, vắc-xin dại có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch của người tiêm, tạo ra các kháng thể chống lại virus dại. Những kháng thể được vắc-xin dại kích thích tạo ra có cơ chế nhận diện những “kẻ xâm lược” là virus dại và tiêu diệt chúng, giúp bảo vệ cơ thể người tiêm khỏi sự tấn công của bệnh dại. Vắc-xin dại có thể ngăn cản sự lây nhiễm của virus nếu tiêm phòng sớm, trước khi bị động vật cắn (trước phơi nhiễm). Trong trường hợp bị động vật cắn, cần tiêm phòng dại càng sớm càng tốt, tuyệt đối không nên chủ quan khi không thấy có bất kỳ triệu chứng nào.
Theo Kim Dung/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/vac-xin-phong-dai-anh-huong-den-suc-khoe-post691427.html