Vắc-xin sởi - quai bị - rubella; vắc-xin cúm, thủy đậu… được khuyến cáo không tiêm cho thai phụ, do có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi, nhưng phụ nữ nên tiêm trước khi có bầu
Tiêm vắc-xin phòng bệnh trước khi mang thai là một biện pháp chủ động giúp bảo vệ sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Bởi trong thời kỳ mang thai, sức đề kháng của thai phụ bị suy giảm, khả năng chống lại bệnh tật cũng giảm đi.
Nếu sức khỏe người mẹ không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi. Một số bệnh mắc phải trong 3 tháng đầu thai kỳ có khả năng gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi cao như rubella, sởi, quai bị...
Tư vấn tiêm phòng vắc-xin cho phụ nữ mang thai. Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyên phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm các loại vắc-xin dưới đây:
Sởi, quai bị, rubella
Trước khi có ý định có thai nữ giới nên tiêm vắc-xin sởi - quai bị - rubella để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh trong thời gian mang thai.
Những căn bệnh này tuy không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người mẹ nhưng có thể gây chết lưu hoặc sinh non, em bé sinh ra có nguy cơ dị tật rất cao. Vắc-xin sởi - quai bị - rubella cần được tiêm trước mang thai 3 tháng.
Vắc-xin cúm
Nếu thai phụ bị cúm trong quá trình mang thai rất ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Bị cúm trong 3 tháng đầu, nguy cơ cao gây dị tật ở thai nhi như: sứt môi, hở hàm ếch, sinh non và nhẹ cân. Được tiêm phòng, tỉ lệ mắc cúm sẽ giảm đi đáng kể, thời gian hiệu lực của vắc-xin thường trong vòng 1 năm. Vắc-xin cúm cần tiêm trước mang thai 1 tháng.
Bạch hầu, ho gà, uốn ván
Đây là loại vắc-xin phối hợp, với 1 lần tiêm duy nhất. Bạch hầu và ho gà là những căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên khả năng mắc phải trong quá trình mang bầu là rất cao.
Uốn ván có thể gặp nếu chủ quan trước những vết thương, vì loại vi khuẩn này tồn tại rất bền vững trong môi trường tự nhiên như đất, nước... Vắc-xin này cần tiêm trước mang thai 1 tháng.
Vắc-xin thủy đậu
Nếu bạn chưa từng bị bệnh thủy đậu hãy tiêm vắc-xin thủy đậu 3 tháng trước khi mang thai để chủ động bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Hiện các vắc-xin ngừa thủy đậu có trên thị trường cũng là vắc-xin sống giảm độc lực, không được chỉ định cho phụ nữ mang thai. Nếu đang mang thai, thai phụ tuyệt đối không tiêm vắc-xin này.
Tuy nhiên, trước khi có thai, phụ nữ phụ rất cần phòng bệnh thủy đậu do bệnh làm tăng nguy cơ viêm phổi phải nhập viện và dị tật chân tay ở thai nhi. Nếu người mẹ mắc thủy đậu trước 5 ngày và 2 ngày sau sinh, em bé dễ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh với tỉ lệ tử vong lên đến 30%.
Vắc-xin viêm gan B
Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B trước khi mang thai rất cần thiết. Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con.
Liều tiêm phòng viêm gan B gồm 3 mũi tiêm. Nếu từng tiêm phòng vắc-xin viêm gan B, bạn nên xét nghiệm kiểm tra kháng thể xem có cần thiết phải tiêm nhắc lại hay không.
Thời điểm tiêm vắc-xin viêm gan B: Mũi 1: Lần đầu tiên tiêm, trước khi có thai 7 tháng. Mũi 2: Cách mũi 1 một tháng. Mũi 3: Cách mũi 1 6 tháng.
Ngoài ra, nếu có điều kiện, trước khi mang thai có thể tiêm các loại vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV, bệnh do phế cầu khuẩn, viêm não...
Lỡ tiêm phòng thì biết mình mang thai phải làm sao? Với vắc-xin ngừa cúm và viêm gan B, thai phụ vẫn có thể tiêm bù trong thai kỳ nếu chưa kịp hoàn thành việc tiêm chủng 2 loại vắc-xin này trước khi có thai. Với các trường hợp lỡ tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu và sởi - quai bị - rubella rồi mới phát hiện mình mang thai (thời gian từ lúc tiêm vắc-xin đến lúc mang thai chưa được 1 tháng), cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc thai kỳ tốt nhất. Đồng thời, cần thăm khám thai thường xuyên để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/nhung-vac-xin-nao-ba-bau-tuyet-doi-khong-tiem-196240706213239386.htm