Một vấn đề khó nhận biết xảy ra trong đêm có thể khiến bạn thức dậy với cổ họng khô rát, nhức đầu, cả buổi sáng buồn ngủ và khó tập trung.
Một số tình trạng khó chịu kéo dài dai dẳng, không rõ nguyên nhân mỗi buổi sáng - từ cơn nhức đầu đến cảm giác uể oải, chỉ muốn lăn ra ngủ - có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) đáng lo ngại.
Bài phân tích vừa được SciTech Daily đăng tải, dẫn lời các chuyên gia từ Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), chỉ ra cách để bạn có thể sớm nhận diện căn bệnh.
Nếu thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ, nhức đầu, khó tập trung làm việc... buổi sáng, có thể bạn bị ngưng thở khi ngủ - Ảnh minh họa: SCITECH DAILY
Ngoài những phiền toái tức thì, chứng ngưng thở khi ngủ còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim và tiểu đường, nếu không được điều trị kịp thời.
Người ngủ cùng có thể dễ dàng phát hiện ra bạn mắc chứng này bởi nó khiến bạn thường xuyên ngáy to. Song, nếu bạn ngủ một mình thì sẽ không dễ dàng phát hiện.
Theo các chuyên gia, bạn nên nghi ngờ chứng ngưng thở khi ngủ nếu gặp 4 nhóm vấn đề điển hình sau khi thức dậy.
Thứ nhất, cảm giác buồn ngủ có thể kéo dài cả buổi sáng.
Thứ hai, cảm giác khô rát cổ họng hay nhức đầu thường xuyên xảy ra sau khi thức dậy mỗi sáng.
Thứ ba, thường xuyên bị tỉnh giấc giữa đêm hoặc thức dậy giữa đêm để đi vệ sinh.
Thứ tư, cảm giác khó tập trung, tâm trạng "ẩm ương" trong ngày.
Tất cả những vấn đề này đều có liên quan việc bạn có những giấc ngủ không thực sự chất lượng mà đôi khi chính bạn cũng khó nhận biết. Chỉ cần gặp một vài trong số các nhóm vấn đề nói trên, bạn nên đi gặp bác sĩ.
Một người được chẩn đoán là bị ngưng thở khi ngủ nếu có ít nhất 5 đợt ngưng thở mỗi giờ. Thông thường điều này do cơ lưỡi, vòm miệng mềm hoặc các bộ phận của cổ họng thư giãn quá nhiều trong khi ngủ và làm tắc nghẽn đường thở của bạn.
Một dạng ngưng thở khi ngủ ít phổ biến hơn xảy ra khi vùng não kiểm soát nhịp thở không gửi tín hiệu chính xác đến các cơ giúp bạn thở.
Tùy vào mức độ bệnh và nguyên nhân gây ra điều đó, bác sĩ có thể kê đơn thuốc an thần giúp ngủ ngon hơn và giảm triệu chứng. Theo TS Elisabeth Boulos từ Trung tâm Đánh giá thuốc của FDA, không có thuốc đặc trị dành cho chứng này.
Mặc dù vậy, một số biện pháp có thể giúp bạn kìm hãm được vấn đề lâu dài, ví dụ thay đổi lối sống (giảm cân, uống ít rượu, ngừng hút thuốc). Ngoài ra, một chiếc gối hay giường đặc biệt giúp bạn luôn nằm nghiêng để đường thở được thông suốt cũng là phương án hay được áp dụng. Một số dụng cụ hỗ trợ thở, cố định lưỡi hay thậm chí là phẫu thuật có thể được chỉ định cho một số bệnh nhân.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/hay-buon-ngu-nhuc-dau-buoi-sang-ly-do-dang-ngai-19624062410045255.htm