Nhiều người tự ý sử dụng các loại thuốc bổ não, tiêm thuốc định kỳ với kỳ vọng giúp phòng được bệnh sa sút trí tuệ, ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Liệu có ổn?
Người cao tuổi cần được thăm khám để phát hiện sớm bệnh sa sút trí tuệ - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Các chuyên gia khuyến cáo việc sử dụng thuốc bổ não cần đúng chỉ định của bác sĩ, không tùy tiện sử dụng.
Thích thì chích… bổ não?
Tình trạng người dân tự tiêm thuốc bổ não gần đây khá phổ biến. Đặc biệt, sau COVID-19 nhiều người nhận thấy trí nhớ giảm sút cũng tìm đến các loại thuốc tiêm bổ não để cải thiện trí nhớ.
Hàng loạt lời rao có cánh xuất hiện tràn ngập mạng xã hội. Một tài khoản đăng tải: "Được biết tế bào thần kinh sẽ dần mất đi theo tuổi tác. Vì vậy cần sử dụng C. như một nguồn dinh dưỡng bổ sung và làm chậm quá trình già, mất đi của tế bào thần kinh".
Hay một tài khoản khác cũng đăng tải tiêm thuốc bổ não định kỳ giúp cải thiện trí nhớ hậu COVID-19. Thậm chí, tài khoản này còn khẳng định người đau đầu, hoa mắt, chóng mặt tiêm 1 hộp 5 ống thuốc bổ não là khỏe khoắn hết. Thuốc còn có tác dụng dự phòng đột quỵ, sa sút trí tuệ, Alzheimer…
Liên hệ với K. (Hà Nội) - một người chuyên tiêm thuốc bổ não tại nhà, phóng viên được giới thiệu một loại thuốc bổ não C. có thể tiêm cho bất kỳ người nào có triệu chứng đau đầu, suy giảm trí nhớ.
"Chị an tâm, em tiêm cho nhiều người lắm rồi, độ tuổi nào cũng nên tiêm nếu thấy hay đau đầu, hoa mắt", K. nói. Khi được hỏi về thuốc có cần bác sĩ chỉ định không thì K. khẳng định thuốc bổ nên không cần phải bác sĩ kê đơn.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Hường (60 tuổi, Hà Nội) chia sẻ nhiều bạn bè của bà đều đã tiêm loại thuốc bổ não C. để dự phòng bệnh sa sút trí tuệ. Nhưng khi bà tìm hiểu thì đây là loại thuốc phải được bác sĩ chỉ định, không tự ý dùng được nên không tiêm dù bạn bè rủ.
"Không biết tác dụng thực sự đến đâu nhưng ít nhất cũng tốn một khoản tiền không nhỏ, từ 500.000 - 600.000 đồng/hộp", bà Hường nói.
Tương tự, chị Hoa (30 tuổi, Hà Nội) cũng dự định sẽ tiêm thuốc bổ não cho bố mẹ để phòng bệnh. Do tính cẩn thận, chị Hoa gọi điện đến bệnh viện để được tiêm thuốc.
Tuy nhiên, khi liên hệ đến bệnh viện, đề nghị được tiêm thuốc bổ não thì được nhân viên y tế phản hồi thuốc bổ não C. chỉ được sử dụng khi được thăm khám, có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, thuốc chỉ có tác dụng điều trị bệnh chứ không có tác dụng dự phòng.
Thuốc phải có chỉ định từ bác sĩ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thanh Bình, khoa thần kinh và bệnh Alzheimer Bệnh viện Lão khoa trung ương, cho hay trong một số trường hợp, việc tiêm thuốc bảo vệ tế bào thần kinh để dự phòng sa sút trí tuệ có thể mang một số lợi ích tiềm tàng như làm chậm lại quá trình chuyển từ trạng thái suy giảm nhận thức nhẹ thành sa sút trí tuệ thật sự.
"Ngoài ra, trong giai đoạn sa sút trí tuệ nhẹ và vừa, việc điều trị thuốc bảo vệ tế bào thần kinh, như thuốc C., một loại thuốc tương đối phổ biển, có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức. Thuốc có một số tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn thoáng qua.
Người dân không nên tự ý dùng thuốc mà nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn các biện pháp điều trị và dự phòng sa sút trí tuệ", bác sĩ Bình thông tin.
TS Nguyễn Hồng Quân, chủ nhiệm khoa nội thần kinh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay các loại thuốc bổ não hay còn gọi là thuốc dưỡng não, thuốc bảo vệ thần kinh là một nhóm thuốc có thể bảo vệ được cấu trúc của thần kinh đã bị tổn thương qua quá trình oxy hóa, quá trình viêm, do quá trình thiếu oxy, nhiễm độc…
Thuốc này có tác dụng ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác động lên các tế bào thần kinh. Tuy nhiên đây là thuốc, vì vậy cần sử dụng đúng mục đích, dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Bác sĩ Quân cũng cho rằng thuốc luôn là con dao hai lưỡi, có thể chữa được bệnh nhưng cũng có thể gây hại.
"Thậm chí, việc tự ý sử dụng thuốc bổ não đôi khi còn làm bệnh lý trầm trọng hơn. Bởi người bệnh khi thấy triệu chứng khác thường nên đi khám ở cơ sở y tế để được điều trị đúng, nhưng người dân cứ mải mê dùng thực phẩm chức năng và uống thuốc bổ đã làm mất đi cơ hội điều trị sớm.
Bên cạnh đó, người bệnh sẽ có nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, rối loạn tiêu hóa, hoặc có thể có dị ứng... Đặc biệt, với những bệnh nhân không dung nạp thuốc hoặc bị dị ứng thuốc có thể có những biến chứng từ nhẹ đến vô cùng nặng" - bác sĩ Hồng Quân cho biết.
Dự phòng bệnh như thế nào? Theo bác sĩ Bình, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ, trong đó có nguyên nhân do lão hóa và giới (nữ có tỉ lệ mắc nhiều hơn nam) là không thể thay đổi được, thì có 12 nguyên nhân có thể dự phòng được. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ như bệnh lý mạch máu não; bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì; các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như hút thuốc lá, uống rượu bia (đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh…); chấn thương sọ não; nghe kém; stress, ít giao tiếp xã hội, ô nhiễm không khí... "Để phòng bệnh, cần kiểm soát, ngăn ngừa những nguy cơ trên. Đồng thời thay đổi lối sống như loại bỏ thói quen xấu, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh, cho trí não hoạt động một cách hợp lý, tăng cường tương tác xã hội để tránh stress là những yếu tố rất quan trọng để giảm thiểu bệnh tật, nhất là các bệnh lý của não", bác sĩ Bình khuyến cáo. |
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/an-lon-sach-co-nguy-co-nhiem-lien-cau-lon-khong-185240616190523557.htm