Không chỉ làm tăng mắc bệnh hô hấp, rối loạn tiêu hóa, sốc nhiệt..., nắng nóng gay gắt khiến nhiều người bị đột quỵ. Một nghiên cứu đã chỉ ra nhiệt độ môi trường tăng lên 1 độ C thì tăng khoảng 10% nguy cơ đột quỵ.
Nắng nóng oi bức, người dân TP.HCM tìm nhiều cách chống nắng khi đi ngoài đường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều người đổ bệnh, trong đó nguy hiểm hơn hết là đột quỵ. Nếu không được cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng, người bệnh đối diện với tàn phế, thậm chí tử vong.
Đột quỵ khi ngủ trong xe ngoài trời nắng, đi xe máy ngoài đường
Mới đây, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân N.V.N. (58 tuổi, ngụ TP.HCM) với các dấu hiệu đột quỵ sau khi ngủ trưa trong xe ngoài trời nắng.
Theo lời ông N., sau khi ngủ dậy, ông thấy bị tê tay phải và chân, méo miệng nhưng vẫn cố chạy xe về nhà ngủ tiếp vì cho rằng mình chỉ mệt mỏi.
Sáng hôm sau, ông N. có biểu hiện yếu tay và liệt chân phải, nói khó. Khi người nhà ông ra quầy thuốc tây mua thuốc, nhân viên bán thuốc nghe triệu chứng bệnh khuyên nhanh về đưa ông đến bệnh viện.
Ông N. nhập Bệnh viện Quân y 175 vào tối 23-3, được chẩn đoán nhồi máu não giờ thứ 27. Do đã quá các thời điểm cửa sổ điều trị tái thông, nên bác sĩ tích cực điều trị, tránh tái phát cho ông.
Trường hợp tiếp theo là ông N.T.H. (70 tuổi, ngụ Bình Dương) bị liệt hoàn toàn nửa bên người phải. Khai thác bệnh sử ghi nhận buổi sáng ông H. sinh hoạt bình thường, đến trưa sau khi đi xe máy đến nhà con trai thì có biểu hiện đột ngột yếu nửa tay và chân bên phải.
Nghi ông H. bị đột quỵ, người nhà nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Quân y 175. Tại đây, các bác sĩ khoa nội thần kinh xác định ông H. bị nhồi máu não, thời điểm tiếp nhận cấp cứu là sau 3 giờ từ lúc xuất hiện triệu chứng.
Ông H. nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa bên người phải, có tiền sử nhồi máu cơ tim và tăng huyết áp 10 năm nay. Sau hai tuần điều trị tích cực, hiện ông đã được xuất viện, phục hồi sức cơ tay và chân phải, có thể đi lại với sự hỗ trợ của người nhà.
Bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Nhiệt độ tăng 1 độ C, nguy cơ đột quỵ tăng 10%, phòng bệnh cách nào?
Theo bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - chủ nhiệm khoa nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175, các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ nhiệt độ ngoài trời liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ và mức độ nặng của đột quỵ.
Một nghiên cứu vào năm 2022 đã chỉ ra nhiệt độ môi trường tăng lên 1 độ C thì gia tăng khoảng 10% nguy cơ mắc đột quỵ.
Trước thời tiết nắng nóng cực đoan như những ngày qua, bác sĩ Nghĩa hướng dẫn khi một người có các dấu hiệu như hoa mắt, choáng váng trong thời tiết nóng cần nhanh chóng đưa họ vào nơi mát, thoáng gió, nới lỏng quần áo và nghỉ ngơi.
Nếu thấy họ đổ mồ hôi nhiều, môi nhợt, thở nhanh và dốc, có các biểu hiện lú lẫn, cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Khi có các dấu hiệu khác như: đột ngột yếu hoặc tê bì, dị cảm tay hoặc chân, méo miệng, nói khó…, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất.
Tuyệt đối tránh chích máu đầu ngón tay, bấm huyệt... vì sẽ làm mất đi cơ hội và thời gian vàng trong điều trị đột quỵ (từ 3,4 đến 4 giờ sau khi người bệnh có những dấu hiệu đầu tiên).
Để phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo khi làm việc trong thời tiết nắng nóng nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá lâu trong thời tiết bất lợi. Đồng thời cần bổ sung nước, năng lượng đầy đủ cho cơ thể, không thay đổi nhiệt độ đột ngột (từ ngoài nắng vào ngay phòng lạnh và ngược lại)…
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nhiet-do-moi-truong-cu-tang-len-1-do-c-nguy-co-dot-quy-tang-10-20240410124722223.htm